Chờ...

Triều cường đầu tháng 1/2021 tại TPHCM: Vùng trũng thấp nguy cơ bị ngập

(VOH) - Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo Ngày 4/1/2022, trạm Phú An - sông Sài Gòn triều cường đạt mức 1,59m (lúc 03 giờ 30 phút).

Theo bản tin dự báo đặc trưng thủy triều 5 ngày số 365/2021 ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo mực nước cao nhất trong những ngày tới tại trạm Phú An - sông Sài Gòn như sau:

- Ngày 01 tháng 01 năm 2022 (29/11 Âm lịch): 1,51m (lúc 01 giờ 30 phút);

- Ngày 02 tháng 01 năm 2022 (30/11 Âm lịch): 1,54m (lúc 02 giờ 30 phút) và 1,51m (lúc 17 giờ 00 phút);

- Ngày 03 tháng 01 năm 2022 (01/12 Âm lịch): 1,57m (lúc 03 giờ 00 phút) và 1,54m (lúc 18 giờ 00 phút);

- Ngày 04 tháng 01 năm 2022 (02/12 Âm lịch): 1,59m (lúc 03 giờ 30 phút) và 1,50m (lúc 19 giờ 00 phút).

Để chủ động ứng phó với đợt triều cường đầu tháng 01 năm 2022 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố đề nghị:

1. Các sở, ngành, đơn vị Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện:

- Quán triệt thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Công văn số 3301/UBND-KT ngày 7 tháng 10 năm 2021 về việc triển khai công tác chủ động ứng phó thiên tai, bão lớn, mưa, dông, lũ, triều cường ngập úng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 811/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn Thành phố và Quyết định số 3843/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn Thành phố.

Thường xuyên theo dõi tình hình triều cường và diễn biến dịch bệnh Covid-19 qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang web của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, Bộ Y tế, Sở Y tế... để thông báo, chỉ đạo kịp thời cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, các cấp chính quyền và Nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó triều cường, ngập úng trong bối cảnh có dịch bệnh.

triều cường , sông Sài Gòn, ngày 31 tháng 12 năm 2021
Ảnh minh họa: LH

2. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện: 

a) Thông báo thường xuyên trên các phương tiện truyền thông về diễn biến của đợt triều cường cho Nhân dân địa phương biết để chủ động ứng phó.

b) Tăng cường tổ chức kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều xung yếu và chuẩn bị vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải đất, cát…) để kịp thời xử lý, cơi đắp bờ bao xung yếu ngay từ giờ đầu theo phương châm “04 tại chỗ”, không để xảy ra tình trạng bể, tràn bờ bao gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân. Đối với các đoạn bờ bao xung yếu cần phải cơi đắp, gia cố khẩn trương để tránh xảy ra sự cố.

c) Chỉ đạo Lực lượng Quản lý đê nhân dân tăng cường kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều để kịp thời phát hiện, tu sửa gia cố những vị trí xung yếu, xuống cấp.

d) Ủy ban nhân dân Quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, thiết bị kịp thời khắc phục sớm nhất nếu xảy ra sự cố thuộc các gói thầu của Dự án Bờ hữu ven sông Sài Gòn trên phạm vi địa bàn quản lý. 

3. Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi Thành phố và Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước đô thị Thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kịp thời xử lý các vị trí bờ bao, cống, đập ngăn triều, kênh dẫn dòng xung yếu; vận hành hiệu quả các cửa xả, cống, đập ngăn triều, trạm bơm; đồng thời, phối hợp với Công an Thành phố (lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố) bố trí máy bơm nước di động để kịp thời khắc phục các sự cố ngập úng do triều cường gây ra. Đối với các tuyến đường ngập do triều cường, đề nghị các đơn vị có biện pháp đảm bảo an toàn (lắp biển cảnh báo, rào chắn, đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng…) nhằm tránh xảy ra tai nạn khi ngập úng.

4. Các chủ đầu tư các dự án giao thông, thủy lợi chủ động tổ chức kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý ngay các vị trí đê bao, bờ bao, kè, cống, kênh dẫn dòng xung yếu thuộc phạm vi các gói thầu dự án giao thông, thủy lợi, tiêu thoát nước, chống ngập, cải thiện môi trường thuộc phạm vi quản lý của đơn vị.

5. Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố tổ chức các lực lượng cơ động điều tiết giao thông tại các khu vực trọng điểm bị ngập úng do triều cường gây ra.

6. Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố thường xuyên đưa tin cảnh báo, dự báo về triều cường, chỉ đạo của Trung ương và Thành phố để Nhân dân trên địa bàn Thành phố kịp thời phòng, tránh, ứng phó.

7. Các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ và thực hiện chế độ báo cáo theo Quyết định số 615/QĐ-UBND ngày 25/2/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy chế về công tác trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là trong dịp Tết dương lịch 2022 và ngày nghỉ cuối tuần; theo dõi chặt chẽ tình hình triều cường qua bản tin 05 ngày của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ và website, tin nhắn cảnh báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố. Kịp thời thông tin, báo cáo những tình huống bất lợi về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố (fax: 38.232.742; điện thoại trực ban: 38.297.598)./.