Dựng rạp hiếu hỉ sao cho vẹn đôi đường

VOH - Sở GTVT TPHCM có tờ trình gửi UBND TPHCM dự thảo thay thế Quyết định 74 ngày 23/10/2008 của UBND TPHCM về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn.

Tình trạng gia chủ vô tư dựng rạp hiếu hỉ choáng hết diện tích vỉa hè, lòng đường phó mặc cho các phương tiện giao thông phải tránh đường, thậm chí không chừa lối cho người đi bộ trên vỉa hè không hiếm. Thực tế có khá nhiều gia đình khi có hữu sự đã dựng rạp trực tiếp trên vỉa hè và tràn ra lòng đường trước nhà, bất chấp cảnh báo tai nạn, ách tắc giao thông, phiền hà người khác.

Nhà mặt tiền dựng rạp chiếm hết vỉa hè không chừa lề cho người đi bộ, đã vậy còn lấn ra lòng đường dồn các phương tiện sang phần đường còn lại. Còn nhà trong hẻm chỉ đặt tấm biển nhà có việc xin nhường đường ở hai đầu, chỉ chừa lối cho xe máy qua còn xe lớn thì phải quay đầu chọn đường khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chừa lối đi đảm bảo an toàn giao thông và bớt tiếng ồn lại thì còn có thể du di, tuy nhiên đô thị đất chật người đông, việc dựng rạp trên vỉa hè, lòng đường gây trở ngại rất lớn cho giao thông vì vậy nên hạn chế bớt.

Dựng rạp hiếu hỉ: sao cho vẹn đôi đường 1
Một bãi giữ xe lấn chiếm vỉa hè ở TPHCM - Ảnh: Báo Giao thông

Theo Luật sư Nguyễn Thành Công, đoàn luật sư TPHCM cho biết căn cứ Khoản 1, Điều 36 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Và tại khoản 3, Điều 8 Luật này cũng có quy định: Nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.

Trong trường hợp theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 100/2013 bổ sung Điều 25 của Nghị định 11/2010 cho phép sử dụng tạm thời một phần hè phố để tổ chức đám cưới, đám tang không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 72 giờ, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét. Hộ gia đình muốn sử dụng phần hè phố như kể trên phải thông báo với UBND phường, xã sở tại trước khi sử dụng.

Đối với lòng đường, theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định 100/2013 bổ sung Điều 25 của Nghị định 11/2010 quy định lòng đường chỉ được sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông là điểm trông giữ xe ô tô phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trong thời gian tổ chức hoạt động đó hoặc làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Quy định này không cho phép sử dụng lòng đường để tổ chức đám cưới, đám tang.

Luật sư Nguyễn Thành Công nêu rõ mức phạt đối với việc dựng rạp trái phép như sau: "Cá nhân, tổ chức dựng rạp trái phép sẽ bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 đến 3.000.000 triệu đồng (đối với cá nhân), từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (đối với tổ chức) theo quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Cá nhân dựng rạp vi phạm pháp luật gây hậu quả thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe của người khác thì tùy mức độ có thể chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 261 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội cản trở giao thông đường bộ và mức phạt cao nhất lên đến 10 năm tù."

Đối với dự thảo thay thế Quyết định 74/2008 ngày 23/10/2008 của UBND TPHCM về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM, Luật sư Nguyễn Thành Công, đoàn luật sư TPHCM nhận định dự thảo đã có sự ghi nhận bổ sung, cụ thể hóa quy định về việc sử dụng hè phố, lòng đường không nhằm mục đích giao thông theo khoản 4 Nghị định số 100/2013, tức là không trái quy định của pháp luật hiện hành về việc dựng rạp đám cưới, đám tang trên hè phố. 

Việc quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn của dự thảo cập nhật theo quy định của Nghị định 100/2013 sẽ là điều kiện để có thể điều chỉnh lại hành vi sử dụng lòng đường, hè phố, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, vừa đảm bảo giao thông đường bộ được xuyên suốt, an toàn, góp phần hạn chế tình trạng ách tắc giao thông, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.