Giấc mơ về tuyến tàu điện ngầm chạy khắp thành phố

(VOH) - Sau 4 năm thi công, tuyến metro đầu tiên của TPHCM đã hoàn thiện được hơn một nửa tiến độ. Chỉ còn 3 mùa xuân nữa, kỳ vọng tuyến tàu điện ngầm sẽ đưa vào khai thác toàn tuyến trên cao và ngầm.

Nghe bài viết

Hình ảnh tuyến metro nhấp nhô mềm mại như cơn sóng trên đoạn xa lộ Hà Nội đoạn ngã tư Thủ Đức. Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên được khởi công vào tháng 8/2012. Theo thiết kế, tuyến Metro đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và thị xã Dĩ An (Bình Dương). Ảnh: NLĐ

Nhiều hạng mục sắp hoàn thành

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, tính đến thời điểm này, liên danh nhà thầu Sumitomo (Nhật Bản) - Cienco 6 (VN) đã thi công gói thầu số 2 dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Theo đó, đã lắp đặt được 298/361 nhịp dầm đúc hẫng của cầu cạn dài 10,5km/12km cho hai làn tàu metro đi và về trung tâm thành phố.

Những ngày này, khi đi dọc theo đường xa lộ Hà Nội qua quận 2, 9 và Thủ Đức, người dân thành phố đã thấy rõ nét hình dáng tuyến metro trên cao từ nhà ga Ba Son quận 1 đến Suối Tiên quận 9 dài gần 20 km.  

Song song đó, 5 cầu đặc biệt gồm: cầu metro Sài Gòn, Rạch Chiếc, Văn Thánh, Điện Biên Phủ và cầu vượt đường xa Lộ Hà Nội cũng đang được đẩy nhanh thi công. Phần kết cấu bê tông cốt thép của 8 nhà ga metro gồm ga Văn Thánh, Thảo Điền, Phước Long, Rạch Chiếc, Bình Thái, Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia và Thủ Đức cũng đã được thi công hoàn thiện.

Công trình đang tập trung thi công hoàn thành tầng 1 các nhà ga còn lại gồm ga An Phú, Tân Cảng và Suối Tiên và xây dựng depot - trạm bảo dưỡng kỹ thuật đầu máy, toa xe…

Ngay khi liên danh nhà thầu Shimizu - Meade (Nhật Bản) trúng thầu thi công ga ngầm metro Nhà hát Thành phố, cùng với việc đưa các chuyên gia từ Nhật sang, họ bắt đầu tuyển dụng kỹ sư trong nước để cùng chuẩn bị triển khai xây dựng. Từ khi bàn giao đến nay không xảy ra thấm hay rò rỉ nước từ bên ngoài vào dù mặt đáy là nền đất.

Cùng với hệ thống cọc tạm ở giữa, tường vây chắc chắn đến mức gánh đỡ an toàn các sàn bê tông khổng lồ, chỉ riêng kết cấu thép của mỗi sàn đã nặng hơn 1.000 tấn. Hạng mục quan trọng nhất của dự án: Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), công trình nhà ga ngầm tại Nhà hát Thành phố (quận 1) đang rốt ráo thi công gấp rút đẩy nhanh tiến độ.

Theo thiết kế, riêng nhà ga ngầm có chiều dài 190m, rộng 26m, sâu 40m được chia làm 4 tầng. Ngoài đón trả khách nơi này sẽ có cả các gian hàng giống như một trung tâm thương mại. Hiện nhiều hạng mục tại đây đã được thi công thô, cơ bản đã định hình được nhà ga trong tương lai. Theo quy hoạch, tầng 1 gồm: sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động, nhà vệ sinh và phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách. Tầng 2: là sân ga...

Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cho hay: “Gói thầu 1a là gói thầu xây dựng ga trung tâm. Ở Bến Thành là nơi sẽ nối kết các tuyến về trung tâm. Nhưng đồng thời, cũng là đoạn cuối cùng từ ga Bến Thành đến ga nhà hát thành phố. Như vậy, nếu hoàn thành được nhà ga Bến Thành cùng với đoạn nối giữa Bến Thành và Nhà hát thành phố đúng theo mong muốn vào cuối năm 2020 thì các gói khác theo tiến độ hiện tại cũng sẽ thực hiện đúng tiến độ đó, thì toàn bộ tuyến sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2020”.

Quanh công trình này được lắp hàng chục thiết bị quan trắc để ghi nhận những thay đổi về địa chất. Theo các kỹ sư đến nay chưa ghi nhận những thay đổi lớn và các chỉ số vẫn trong giới hạn cho phép. Những ngày này, công trường đang khẩn trương thi công tất cả dưới và trên công trình. Những hành lang dài hàng trăm mét, các cọc dầm cỡ lớn, nhiều khu vực đang tiếp tục được đào sâu... Tất cả làm nên một công trường nhộn nhịp ngay dưới lòng đất tại trung tâm TPHCM.

Phần ngầm của tuyến metro số 1 bắt đầu từ ga Ba Son kéo dài đến ga Bến Thành có độ dài 2,6km đang được thi công ngay bên dưới lòng đất. Ảnh: NLĐ

Lấy đêm làm ngày

Đêm về, khi người dân thành phố chuẩn bị đi vào giấc ngủ thì cũng là lúc các kỹ sư công trình, công nhân thi công tuyến Metro số 1 bắt đầu làm việc. Chúng tôi men theo lối lên xuống hầm thi công ga Nhà hát TP. Ngay lúc vừa bước xuống theo cầu thang bộ từ sàn tạm, đi dọc các tầng hầm, đứng ở vị trí nào cũng nghe tiếng ầm ào, ồn ã từ những chiếc máy khoan tường bê tông, cắt thép, máy xúc trong tiếng ù ù của hệ thống quạt hút và thổi khí. Dưới lòng đất về đêm, công trình là một khối hỗn hợp âm thanh của sự tất bật làm việc dường như không ngơi nghỉ.

Cầm thiết bị đi đo khí, kỹ sư phụ trách an toàn Trần Văn Khê cho biết, không khí và ánh sáng ở đây là hai yếu tố cực kỳ quan trọng khi thi công dưới lòng đất. Là kỹ sư phụ trách về an toàn, anh luôn kiểm tra độ an toàn của không khí nơi đây, bởi vì khi đo không chuẩn xác khí độc tự nhiên có sẵn trong lòng đất và các khí độc thải ra từ hệ thống máy móc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của anh em đang thi công bên dưới.

Do thi công trong điều kiện chật hẹp ngay tại khu trung tâm thành phố, nên hầu hết các hạng mục phải chọn giải pháp thi công từ trên xuống để không ảnh hưởng đến các công trình cao tầng lân cận. Tuy nhiên, giải pháp này thường phát sinh việc thiếu không khí sạch. Hiện toàn bộ công trường có 11 lỗ, mở thì mỗi lỗ mở có ít nhất 2 quạt hút khí trong hầm ra và bơm khí sạch từ mặt đất xuống. Để bảo đảm đủ không khí, mỗi ngày kỹ sư phụ trách an toàn phải đo đều đặn nhiều lần. Các thông số không khí đều phải  được ghi chép cẩn thận trên bảng ngay lối đi xuống hầm. Chỉ khi bảo đảm an toàn, có ký hiệu báo cho phép, công nhân mới được phép xuống hầm.

 “Hiện tại tiến độ thi công đã hoàn thành hết hầm B1, đang thi công hầm B2 và chuẩn bị công tác thi công cho hầm B3. Điều quan tâm nhất của nhà thầu hiện nay là đảm bảo an toàn cho anh em công nhân làm việc. Tính đến thời điểm này, nhà ga nhà hát Bến Thành TP đã hoàn thành 35-40%”, ông Khê cho biết.

Càng xuống sâu, ánh sáng dưới hầm càng yếu. Tại đây, nhà thầu phải lắp đặt thêm rất nhiều đèn cao áp để tăng cường ánh sáng cho anh em làm việc. Nhiều đoạn lên xuống trơn trợt dễ ngã, nhiều cọc nhô ra vô cùng nguy hiểm cần phải đủ sáng để tránh va vấp. Phó Chỉ huy công trình Huỳnh Ngọc Sang, khẳng định: “Ở đây, chúng tôi luôn tuân thủ đúng quy trình nghiêm ngặt và phương pháp được đưa ra. Tất cả các công việc đều phải được xem xét về vấn đề an toàn. Hiện nay chúng tôi đã đạt được 3 triệu giờ an toàn”.

Dù vậy, còn rất nhiều khó khăn khi thi công sâu dưới lòng đất. Việc vận chuyển vật liệu cũng không hề dễ dàng. Các cần cẩu công trường chỉ có thể chuyển vật liệu xuống hầm thông qua các lỗ mở và phải di chuyển ngang các vật liệu này trong hầm. Kế đến, do yêu cầu thi công nhà ga ngầm, thiết kế về kết cấu thép có những đặc thù riêng nên việc lắp đặt các thanh sắt có đường kính lớn, nặng, đòi hỏi phải vô cùng tỉ mỉ, cẩn thận, bởi lắp đặt sai nhịp so với thiết kế ban đầu, bắt buộc phải tháo ra làm lại, thiệt hại vô cùng lớn, nên việc sai sót là không thể chấp nhận. Vì vậy, công tác này đòi hỏi công nhân phải có kinh nghiệm, kỹ sư, giám sát phải túc trực theo dõi thường xuyên, kiểm tra kỹ lưỡng.

Trên công trường đa số là kỹ sư trẻ và, công nhân người Việt. Nhiều khi chuyên gia Nhật cũng có mặt tham gia hỗ trợ, phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công. Họ làm với tinh thần trách nhiệm và chia sẻ cao nhất. Thấy công nhân xử lý chưa đúng kỹ thuật, các kỹ sư người Nhật nhiệt tình xắn tay vào làm thay, chứ không đứng một chỗ ra lệnh. Bắt đầu hay kết thúc bất kỳ công đoạn nào, các kỹ sư trực đều phải chụp hình lại bằng điện thoại, rồi chuyển trực tiếp cho cấp trên khi họ không có mặt tại công trường theo dõi sát sao từng công đoạn.

Mỗi sáng, tại công trường, các kỹ sư và công nhân đều phải tổng kết khối lượng công việc ngày của hôm qua, phổ biến lại các mục tiêu, khối lượng thi công trong ngày và trong tuần, khuyến cáo các rủi ro có thể xảy ra trong từng hạng mục thi công, rút kinh nghiệm về an toàn mỗi khi đâu đó xảy ra tai nạn lao động.

Tại công trình này chia thành 3 ca liên tục thi công mỗi ngày với gần 200 công nhân trên công trường, 4 kỹ sư người Nhật và hơn 30 kỹ sư Việt Nam của thầu chính và phụ. Với hầu hết kỹ sư Việt Nam, được tham gia xây dựng công trình đặc biệt này là niềm tự hào, là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, tác phong làm việc của các kỹ sư người Nhật. Kỹ sư Kim Văn Triều chia sẻ: "Được làm trong dự án này, phải nói rất tự hào, đây là dự án đầu tiên của thành phố mình, tương lai đây là điểm nhấn cho TPHCM mình”.

Hạng mục chính của ga Nhà hát Thành phố có 4 tầng ngầm từ B1 - B4, với độ sâu 30 m trong lòng đất. Đến thời điểm này, việc thi công đã hoàn chỉnh phần thô tầng hầm B1, sâu khoảng 7 m. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, diện mạo tuyến metro số 1 đang dần thành hình. Với gói thầu 1b, xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son, nhà thầu liên danh Shimizu - Meada đang triển khai thi công, có những hạng mục như ga Nhà hát Thành phố đạt 70% khối lượng thi công.

Gói thầu số 2, xây dựng đoạn trên cao và depot chiều dài hơn 17 km từ ga Ba Son đến địa bàn Bình Dương, nhà thầu liên danh Sumitomo - CIENCO 6 đang triển khai thi công và cơ bản xong kết cấu phần dưới, phần trụ của 17 phân đoạn cầu cạn, 5 cầu đặc biệt, trong đó có cầu vượt sông Sài Gòn vừa hợp long và 11 nhà ga với khối lượng tổng thể đến nay đạt khoảng 60%.

Dự kiến các gói thầu hoàn thành năm 2019 để theo kế hoạch vận hành toàn tuyến vào năm 2020.