Giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng: Quyết tâm không để xảy ra sai sót

(VOH) - Sáng 7/3, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM đã phối hợp với Bộ Tư lệnh thành phố tổ chức “Ngày hội gia đình chính sách” nhằm trực tiếp trao đổi với các gia đình chính sách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét duyệt hồ sơ công nhận chế độ cho người có công với cách mạng.

Hiện nay, tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi có 150 gia đình đang được hưởng chính sách người có công với cách mạng. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp chưa được công nhận do thất lạc hồ sơ, không có người làm chứng.

Rà soát cả trường hợp mất hết giấy tờ

Tại buổi gặp mặt, nhiều thương binh, gia đình người có công yêu cầu, Sở LĐTB và XH cần có giải pháp giải quyết đối với những người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, không còn giấy tờ gốc, chỉ có giấy xác nhận của thủ trưởng và đồng đội cùng đơn vị công tác trong thời gian kháng chiến, nhất là những trường hợp bị bắt bị giam ở các nhà tù. Đồng thời, cần giảm bớt thủ tục khi làm hồ sơ cho người có công với cách mạng.

Ông Hoàng Xuân Phú, ở ấp 6, xã Phước Vĩnh An, Củ Chi bị thương tại chiến trường miền đông Nam bộ cho biết trong chiến tranh ông không sợ hy sinh, không tiếc xương máu, đến hôm nay về ở nhà ông, chỉ mong địa phương phải làm sao thực hiện cho đúng, tạo điều kiện cho gia đình chính sách có cuộc sống vui tươi, lành mạnh nhất là những đồng chí đã cuối đời rồi thì làm sao sống cho vui vẻ.

Trăn trở trước những thiệt thòi của nhiều gia đình có người thân đã mất hoặc bị thương tật nhưng chưa được công nhận là liệt sĩ hay thương binh, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP cho biết những trường hợp có đủ hồ sơ đã giải quyết. Những trường hợp thất lạc hồ sơ, không có hồ sơ, không có người làm chứng... Những trường hợp này rất phức tạp, chúng ta phải quyết liệt, nhưng đòi hỏi phải thận trọng, không cho phép sai sót.

"Lần này những hồ sơ liệt sỹ, thương binh, TNXP, người bị bắt tù đày mà được xác lập trước ngày 01/7/2013 thì phải xem xét giải quyết, trong đó những hồ sơ không còn gì hết mà chỉ còn 1 bản khai không thì chủ trương lần này là sẽ đưa trở về địa phương nơi đồng chí đó sinh ra và lớn lên rồi đi tham gia kháng chiến. Tôi cho rằng đây là điều rất hợp lý", ông Tấn nói.

 Các chuyên viên của ngành Lao động TBXH giải đáp thắc và hướng dẫn làm thủ tục công nhận cho người có công với cách mạng tại huyện Củ Chi

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra

Bên cạnh việc giải quyết những hồ sơ người có công còn tồn đọng, theo ông Nguyễn Duy Kiên - Phó Cục trưởng Cục người có công, Bộ LĐTB&XH, sắp tới Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện trường hợp lợi dụng chính sách làm giả hồ sơ người có công sẽ truy tố ra pháp luật:

Theo ông Kiên có nhiều hồ sơ đúng nhưng đó lại là hồ sơ giả hoàn toàn. Đúng về thủ tục hành chính nhưng lại không đúng về bản chất. Lợi dụng việc đối tượng chuyển hồ sơ từ địa phương này đến địa phương khác. Qua tổng rà soát cả nước phát hiện hơn 400 trường hợp hồ sơ giả mạo từ con dấu đến chữ ký và số hồ sơ này đã bị thu hồi chính sách. Do đó bên cạnh biện pháp phòng ngừa thì công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường đồng thời đã khởi tố nhiều vụ án làm giả hồ sơ để trục lợi chính sách.

Truyền thống “Uống nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” đã trở thành lẽ sống, nét đẹp của người Việt Nam. Chính vì vậy, đạo lý tôn thờ, hậu đãi người có công với cách mạng, với đất nước đã được các ban ngành nhân rộng dưới nhiều hình thức đa dạng, thiết thực thông qua các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Đồng thời còn là tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội nhằm ghi nhớ công ơn những người đã hy sinh xương máu cho độc lập tự do.