Liên quan đến giao thông đường thủy, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy đặt câu hỏi, với 2 tuyến sông lớn là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai sở hữu kênh rạch chằng chịt, đó là lợi thế phát triển giao thông đường thủy. Tuy nhiên, số người sử dụng phương tiện công cộng đường thủy còn hạn chế. Lưu lượng hành khách đường thủy chỉ có 1 triệu lượt /năm so với 600 triệu lượt của hệ thống xe buýt công cộng.
"Đồng chí đánh giá như thế nào về tiềm năng và thực trạng giao thông đường thủy, khả năng kết nối từ TPHCM đến các tỉnh thành miền Đông và Tây Nam Bộ để tăng cường mở rộng kết nối vùng nhằm giảm áp lực cho giao thông đường bộ, và những giải pháp cho phát triển hệ thống giao thông công cộng đường thủy? Thứ 2, liên quan đến phát triển du lịch đường thủy, đây là chủ trương lớn của TP nhưng đến nay đồng chí đánh giá như thế nào về sự phát triển này, cụ thể trong công tác quy hoạch đầu tư đồng bộ về hệ thống cảng hành khách quốc tế, bến bãi để phục vụ cho nhu cầu du lịch đường thủy?", đại biểu Than Thuý chất vấn.
Giám đốc Sở GTVT TP HCM Trần Quang Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: VNE
Đại biểu Trương Lâm Danh đề nghị Giám đốc Sở Giao thông Vận tải trả lời về hai vấn đề liên quan đến tái lập mặt đường sau thi công và bảo đảm an toàn cho người đi bộ: "Tái lập mặt đường sau thi công thường không đúng kỹ thuật, có thể gây ra tai nạn giao thông. Xin Giám đốc cho biết công tác thanh tra xử phạt đối với các công trình này như thế nào? Thứ hai, hiện nay để hạn chế xe gắn máy chạy trên lề đường, chúng ta dùng những vật cản trên lề đường. Nhưng những vật này làm hạn chế cho người đi bộ, người khuyết tật và có thể xảy ra tai nạn. Xin ông cho biết ý kiến việc này có vi phạm luật hay không?".
Vấn đề kẹt xe và triển khai hệ thống giao thông công cộng tiếp tục được đại biểu quan tâm. Đại biểu Nguyễn Minh Nhật đặt câu hỏi: "Vấn đề quy hoạch, định hướng phát triển giao thông đô thị TPHCM từ nay đến 2025 và những năm tiếp theo thực hiện như thế nào, đề nghị nêu cụ thể tiến độ của từng giai đoạn. Thứ 2, việc đầu tư hệ thống vé điện tử thông minh trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã được UBND TP phê duyệt triển khai từ 2015, nhưng qua 4 năm vẫn chưa được triển khai thực tế. Xin đồng chí đánh giá rõ về vấn đề này?"
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Nhật, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, trong chương trình đột phá của thành phố đặt ra 172 dự án giao thông cần triển khai với tổng nguồn lực 393 tỷ đô la Mỹ, nhưng nguồn vốn đã được bố trí cả ngân sách, ODA và PPP chỉ đạt 47.000 tỷ, chiếm 15%. Hiện, thành phố đã hoàn tất được 45 dự án. Từ nay, đến năm 2020 phải xong tiếp 22 dự án và 41 dự án phải hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Do đó, ông Trần Quang Lâm cho rằng những dự án mà HĐND thành phố đã đồng ý thực sự rất cần thiết, phải đẩy nhanh để sớm phát huy hiệu quả để hạn chế ùn tắc.
"Hiện nay chiếm dụng mặt đường thì xe máy gấp 5 lần so với xe buýt, xe ô tô chiếm 8,5 lần. Do đó nếu chỉ phát triển hạ tầng thì không thể theo kịp, mà phải phát triển giao thông công cộng và phải có những bước để hạn chế giao thông cá nhân. Chúng ta đang triển khai và xây dựng đề án. Quan điểm của Sở GTVT và cũng đã tham mưu UBND TP là chúng ta phát triển giao thông công cộng nhưng từng bước giảm giao thông cá nhân, hai việc này phải đi đồng thời, nhưng giao thông công cộng phải phát triển. Theo kịch bản này thì đến 2025, tình hình giao thông sẽ ổn định".
Phát biểu kết luận, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP ghi nhận sự nghiêm túc, trách nhiệm cao của UBND TP và các sở ngành trong việc trả lời những vấn đề của cử tri. Bà Nguyễn Thị Lệ cũng yêu cầu UBND TP, các sở ngành nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu HĐND, của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp và triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực nhằm tạo chuyển biến tích cực trên những lĩnh vực phụ trách.