Giảm nghèo bền vững trước thách thức đa chiều

(VOH) - Chương trình xóa đói giảm nghèo do TPHCM khởi xướng từ những năm 90 thế kỷ 20, không chỉ trở thành chủ trương đúng đắn của TP, phù hợp với tiến trình phát triển nhanh, bền vững mà còn lan rộng trên cả nước. Qua những lần thay đổi tên gọi cũng như không ngừng nâng cao tiêu chí thu nhập, giai đoạn 2016 – 2020 hướng công tác giảm nghèo trên địa bàn TP tiếp cận đa chiều, tạo ra chính sách tác động toàn diện, đồng bộ hơn đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Nghe bài viết:

Số liệu thống kê theo Dự án giảm nghèo đa chiều khu vực đô thị TPHCM, cho thấy TP có khoảng 65.000 hộ nghèo chiếm 3,3% tổng hộ dân và 47.000 hộ cận nghèo. Hơn phân nửa số hộ nghèo thiếu hụt về chiều giáo dục - đào tạo, bảo hiểm xã hội; hơn 39% hộ nghèo thiếu hụt về nhà ở; 1/3 hộ nghèo thiếu hụt về y tế và 15% thiếu hụt thông tin. Ngoài ra, các chiều nghèo xã hội được kết hợp với khung thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm cho hộ nghèo và từ 21 đến 28 triệu đồng/người/năm cho hộ cận nghèo.

Theo ông Lê Văn Thành – Viện Nghiên cứu Phát triển TP, nhận định các chính sách ở các lĩnh vực khác nhau là không đồng bộ. Vì vậy, nghèo đa chiều sẽ giúp chúng ta đồng bộ hơn, người nghèo ở lĩnh vực nào, cần cái gì thì chúng ta sẽ giúp đỡ cái đó. Tôi nghĩ đó là lí do có thể chúng ta giải quyết tốt hơn.

Những hình ảnh chương trình giảm nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều chuyên gia trong nước lẫn quốc tế đều tin rằng hướng đi này giúp TP tiếp cận chính xác hơn, đầy đủ hơn với đối tượng hộ nghèo. Qua đó, TP tạo mọi điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo thụ hưởng thêm các tiêu chí khác như về giáo dục, con em hộ nghèo trong độ tuổi được học để nâng cao học vấn hoặc được đào tạo nghề, được chăm sóc y tế, nhất là bảo hiểm y tế. Ngoài ra hộ nghèo và cận nghèo được tiếp cận chính sách nhà ở, tiếp cận nguồn vốn, việc làm ổn định và tiếp cận thông tin.

Bà Phạm Thị Phụng – hộ nghèo ở phường 7, quận 3 cho biết con bà còn đi học thì được miễn giảm học phí, cũng vay được vốn mua xe để làm phương tiện đi học và vay tiền đóng tiền học phí. Còn tôi được vay tiền mua xe đi làm, rồi lễ Tết chính quyền cũng quan tâm tặng quà Tết. Tôi rất mừng”, bà Phụng nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hà, chủ cơ sở may Khánh Hà phường 9, quận Tân Bình từ một hộ nghèo đã vươn lên khá và giúp nhiều lao động có công văn việc làm, cho biết bà được vay vốn của địa phương hỗ trợ từ năm 2009, cứ vay xong rồi trả và đồng thời tạo công ăn việc làm cho ba chục công nhân kể cả ở đây và các tỉnh.

Thách thức của chương trình Giảm nghèo Bền vững TP hiện nay là tốc độ tăng dân số cao, trong đó bao gồm đối tượng dân nhập cư; tỉ lệ trượt giá cùng khoảng cách thu nhập giàu nghèo; nhiều hộ thoát nghèo chưa bền vững cũng như ý thức một số bộ phận hộ nghèo còn ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, chính sách giảm nghèo của TP vẫn kiên định với chủ trương không phân biệt khu vực nội thành hay ngoại thành, người dân có hộ khẩu hay không có hộ khẩu.

Bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm – Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho rằng  vì huyện  trực thuộc TP, thành ra mức sống cũng phải tương đương với một người dân chung TP. Với mức nghèo như vậy thì huyện phải phấn đấu làm sao để người dân nghèo Cần Giờ có thu nhập tương đương TP để có điều kiện sống gần với nhau hơn, giải quyết cuộc sống cho trọn vẹn.

Đặc biệt, tình hình tăng dân số cơ học ở TP phát sinh một bộ phận người nghèo nhập cư đòi hỏi chương trình giảm nghèo TP phải liên tục cập nhật, theo dõi quản lý và hỗ trợ trực tiếp, do chỗ ở không ổn định. Theo Cục Thống kê TP, người tạm trú chi ít cho giáo dục và y tế nhưng lại tốn một phần lớn tiền cho việc thuê nhà ở và hơn 60% đang phải sống trong những căn nhà chật chội. Đáng chú ý, người không hộ khẩu có khoảng cách lớn trong việc tham gia các tổ chức chính trị - xã hội và hoạt động xã hội.

Tại quận 11, Phó Chủ tịch UBND quận 11 - Trần Phi Long mong rằng UB MTTQ, các tổ chức đoàn thể thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương qua các chương trình toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phụ nữ giúp nhau sản xuất, thực hành tiết kiệm. Các chương trình này làm sao gắn kết với chương trình giảm nghèo bền vững của quận nhằm phát huy hiệu quả phong trào của mình.

Trước những khó khăn và thách thức như vậy, 5 nhóm chính sách chủ yếu được UBND TP tập trung thực hiện hỗ trợ tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo; hỗ trợ trực tiếp giảm thiểu rủi ro và những nguy cơ làm tổn thương hộ nghèo; tác động tạo cơ hội nâng cao vị thế, tiếng nói của người nghèo; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến hộ nghèo.

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH – Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững TP, đề nghị phải nắm chắc được nguyên nhân dẫn đến nghèo của người nghèo. Trong giai đoạn này cần xác định 5 chiều nghèo trong điều kiện, khả năng của thực trạng người nghèo và trong khả năng chúng ta thực hiện được. Thực trạng nghèo về giáo dục cũng như việc làm và nghèo xã hội chiếm tỉ lệ cao nhất.

Năm 2017, TP sẽ giảm từ 1,2% - 1,4% hộ nghèo và phấn đấu đến cuối năm 2018, cơ bản không còn hộ nghèo, tức đạt tỉ lệ dưới 1%. TP cũng đổi mới cơ chế quản lý và giảm nghèo.

Theo đó, TP lồng ghép chương trình, kế hoạch giảm nghèo vào các chương trình kinh tế - xã hội thường xuyên của các ngành, các cấp hàng năm và cả giai đoạn. Ở từng chiều thiếu hụt của người nghèo, các sở, ngành được giao nhiệm vụ theo chức năng, chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng các chỉ tiêu, giải pháp hỗ trợ phù hợp. Kế hoạch giảm nghèo được xây dựng từ dưới lên, có sự tham gia của từng hộ nghèo, cận nghèo và phải đảm bảo thực chất.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu MTTQ sẽ hỗ trợ, cùng với các đoàn thể phối hợp giám sát chặt chẽ trong công tác giảm nghèo để tránh tình trạng cơ sở không gần dân, không sát dân mà chỉ chạy theo tiêu chí, chỉ tiêu TP giao bằng mọi giá đưa các hộ đạt tiêu chuẩn cho bằng được, nhưng thực chất người dân vẫn nghèo.

Những kết quả trong công tác giảm nghèo trên địa bàn TPHCM thời gian qua đã thể hiện sự kiên trì, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP. Đặc biệt, việc TP đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1%/năm và nâng mức bình quân thu nhập của hộ nghèo vào năm 2020 lên gấp 3,5 lần so với thời điểm năm 2011 được Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và cho phép TP tiếp tục giữ 2 Ban Chỉ đạo hiện có là Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng xã nông thôn mới và Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững thành phố căn cứ vào tính đặc thù riêng của TP.  Với những nền tảng như vậy, hy vọng rằng chương trình Giảm nghèo Bền vững TP có thể vượt qua thách thức nghèo đa chiều, qua đó mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân TP./.

Bình luận