Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hài cốt anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM

(VOH) - Hài cốt của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã được di dời từ Nghĩa trang Văn Giáp (quận 2) đến Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM (Q.9) lúc 10h45 ngày 15/4.

Việc di dời này thể theo nguyện vọng của gia đình, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM do Thành đoàn, Bộ tư lệnh TP và Quận ủy Q.2 cùng tổ chức lễ an táng.

Đến dự lễ an táng có Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Thị Dung, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm.

Ngoài ra còn có sự hiện diện của đại diện tỉnh Quảng Nam, thị xã Điện Bàn (quê hương anh Trỗi), thân nhân của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, bà Phan Thị Quyên (vợ anh Trỗi) cùng rất nhiều đồng đội chiến đấu cùng anh Trỗi.

Liệt sĩ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi

Lễ an táng hài cốt anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM ngày 15-4 - Ảnh: Q.L/TTO

Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1/2/1940, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Mồ côi mẹ từ nhỏ, anh theo cha ra Đà Nẵng kiếm kế sinh nhai.

Sau Hiệp định Gèneve, gia đình anh vào Sài Gòn, tá túc tại nhà anh họ ở Vườn Xoài. Ban đầu Trỗi học xích lô, sau anh theo học nghề điện.

Năm 23 tuổi, trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Sài Gòn, anh trở thành một chiến sĩ trong tổ chức Biệt động Thành (F100), đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn.

Đầu 1963, anh được đưa ra căn cứ học chính trị, tập huấn cách đánh biệt động nội thành, gặp các đồng đội Ba Sơn, Tư Kiếm, Nguyễn Hữu Lời. Họ được tổ chức thành một tổ hoạt động và nhận nhiệm vụ đánh mục tiêu là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara.

Ngày 2/5/1964, Nguyễn Văn Trỗi nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) để ám sát phái đoàn quân sự cao cấp của chính phủ Mỹ do Robert McNamara dẫn đầu.

Công việc đang được chuẩn bị thì tổ biệt động nhận thông báo phái đoàn của Mỹ sẽ đến sớm hơn hai tuần dự kiến.

Sáng 9/5, tổ biệt động xuất phát để hoàn tất phần chuẩn bị sau cùng. Đêm hôm đó, anh Trỗi và đồng đội bị bắt khi đang làm nhiệm vụ.

Nguyễn Văn Trỗi trong giờ phút ở pháp trường. Ảnh: Thành Đoàn TPHCM.

Nguyễn Văn Trỗi bị tòa án quân sự kết án tử hình và bị xử bắn sáng 15/10/1964. Anh không đồng ý bị bịt mắt và xưng tội, hai tay bị trói chặt vào cột nhưng đôi mắt vẫn hiên ngang.

Chín phút tại pháp trường của Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành biểu tượng bất tử của thế hệ thanh niên Việt Nam thời chống Mỹ.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày 15/10, là ngày hy sinh của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã được chọn làm ngày ngày truyền thống thanh niên công nhân TP.HCM. Năm 2008, một giải thưởng mang tên anh Trỗi cũng được Thành đoàn TPHCM chọn triển khai nhằm động viên thanh niên công nhân hăng hái thi đua lao động, sản xuất đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển TPHCM.

Bình luận