Hàng trăm nhà khoa học chia sẻ tại hội thảo “Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải – CTST 2025”

TPHCM - Hội thảo Khoa học Quốc gia lần thứ VI với chủ đề “Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải – CTST 2025” vừa khai mạc vào sáng nay 17/5.

Hội thảo do trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM (UTH) tổ chức, quy tụ hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và sinh viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức và doanh nghiệp trong cả nước.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Thủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM nhận định: “CTST 2025 không chỉ là nơi gặp gỡ giới học thuật mà còn là nơi hình thành và kết nối những ý tưởng, giải pháp, đề tài nghiên cứu có khả năng ứng dụng thực tiễn, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải quốc gia”.

dhgtvt-tphcm-170525

PGS.TS. Nguyễn Tiến Thủy khẳng định: “CTST 2025 là nơi kết nối những ý tưởng, giải pháp, đề tài nghiên cứu có khả năng ứng dụng thực tiễn, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải quốc gia”.

Hội thảo Khoa học Quốc gia CTST 2025 là diễn đàn học thuật uy tín để trao đổi kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và kết nối cộng đồng nghiên cứu trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Thông qua Hội thảo, các ý tưởng đổi mới sáng tạo, các giải pháp công nghệ tiên tiến và các mô hình quản lý hiệu quả được giới thiệu và thảo luận, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự phát triển bền vững của ngành.

Năm nay, Hội thảo nhận được 112 bài viết từ các tác giả trong và ngoài nước. Sau quá trình phản biện nghiêm túc, 88 bài có chất lượng tốt được tuyển chọn để đăng trong Kỷ yếu khoa học quốc gia với chủ đề “Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải” (CTST 2025).

dhgtvt-tphcm-170525-1
Các nhà khoa học trao đổi tại Hội thảo

Các công trình được công bố phản ánh đa dạng lĩnh vực nghiên cứu: Giao thông - Đường sắt đô thị, Tốc độ cao - Kỹ thuật xây dựng, Môi trường - Khoa học hàng hải, Cơ khí - Động lực học, Điện - Điện tử - Viễn thông - Tự động hóa, Công nghệ thông tin - Trí tuệ nhân tạo, Kinh tế - Quản lý...

Nội dung các công trình vừa có chiều sâu học thuật, vừa gắn kết với thực tiễn, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết của ngành Giao thông vận tải trong bối cảnh hội nhập và phát triển.

Bình luận