Sáng 18/10, Kỳ họp thứ ba Hội đồng Nhân dân Thành phố khóa X nhiệm kỳ 2021 – 2026 chính thức khai mạc.
Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 1,5 ngày: ngày 18/10 và sáng 19/10. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tham dự kỳ họp.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, chia sẻ đây là kỳ họp rất quan trọng của Hội đồng nhân dân thành phố để chúng ta đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện những nỗ lực, cố gắng của thành phố trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đồng thời thông qua các quyết sách quan trọng để hỗ trợ hoạt động khuyến nông, các doanh nghiệp không có nguồn thu do ảnh hưởng của dịch; các giải pháp nhiệm vụ trọng tâm, thu hút mời gọi đầu tư để phục hồi kinh tế - xã hội, phát triển thành phố; đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong năm 2022: "Chúng ta có thể báo cáo trước đồng bào, cử tri thành phố: cả 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã đạt tiêu chí kiểm soát dịch, chuẩn bị sẵn sàng bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Tính đến 17/10, Thành phố đã có 417.208 ca nhiễm, 240.797 ca trị khỏi xuất viện. Số ca nhiễm trong ngày đã giảm xuống mức 3 con số; số tử vong giảm rất sâu xuống 2 con số; tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 cho người từ đủ 18 tuổi trở lên đạt gần 99% và tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt trên 76%. Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố; tỷ lệ sử dụng giường điều trị Covid-19 hiện đã giảm còn 22,78% so với công suất và tiếp tục duy trì. Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 30/9/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, một số hoạt động kinh tế - xã hội đã được thí điểm mở cửa trở lại, tại những nơi bảo đảm tiêu chí an toàn. Điều rất quan trọng là ý thức của doanh nghiệp và người dân về công tác phòng chống dịch được nâng cao. Đây là những tín hiệu tích cực để thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế với phương châm mở cửa từng bước, thận trọng, an toàn, vững chắc".
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình trình bày tờ trình về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, thu chi ngân sách 9 tháng năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM, kết quả thực hiện chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” có nhiều kết quả. Trong đó, về xây dựng chính quyền đô thị, Ủy ban Nhân dân TPHCM ban hành kế hoạch triển khai thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 131 của Quốc hội và Nghị định số 33 của Chính phủ với 12 nhiệm vụ, nội dung công việc cụ thể. Về kết quả môi trường đầu tư, TPHCM đã chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm của thành phố như dự án chống ngập, vốn cấp phát cho tuyến Metro số 1,… thành phố đã chủ động tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp trên các lĩnh vực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật và ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình có trình tờ trình của UBND TP đề nghị xem xét thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho Quốc lộ 22. Thời gian thực hiện giai đoạn 1 dự kiến từ năm 2021-2025.
"Khi thực hiện đầu tư dự án đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài, khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 15.900 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng là 5417 tỷ, chi phí quản lý dự án, chi phí đầu tư, chi phí khác, lãi vay trong quá trình thực hiện là 1836 tỷ, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư có 2 phần tổng số 7433 tỷ đồng, phát sinh trên địa bàn thành phố là 5901 tỷ đồng, địa bàn Tây Ninh là 1532 tỷ đồng. Chi phí dự phòng dự án là 1214 tỷ đồng", ông Lê Hòa Bình cho biết thêm.
Tại kỳ họp, bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cũng đề nghị UBND Thành phố có chỉ đạo các sở ngành, chính quyền cơ sở rà soát danh sách người chưa được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết của Chính phủ và Hội đồng Nhân dân Thành phố, để kịp thời giải quyết thỏa đáng cho người dân.
Về hệ thống y tế, bà Tô Thị Bích Châu nói thêm: "Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Y tế Thành phố khẩn trương có kế hoạch, các giải pháp cụ thể, từng bước nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở một cách bền vững để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân hiệu quả hơn. Đồng thời đề xuất với Bộ Y tế có cơ chế cho bác sĩ đa khoa mới ra trường chưa có việc làm có chứng chỉ hành nghề để tham gia điều trị F0 cộng đồng tại các cơ sở và cơ sở thực hành y tế trên địa bàn Thành phố".