Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hoàn thành công trình trùng tu Đài Tưởng niệm Biệt động thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968

(VOH) - Lễ báo cáo hoàn thành công trình Đài Tưởng niệm Biệt động thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968 được long trọng tổ chức sáng nay 12/2 tại Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH).

Tham dự có các ông Lê Thanh Hải - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Tất Thành Cang - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Bí thư thường trực Thành ủy; ông Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ tịch UBND TP; bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.

Lễ báo cáo hoàn thành  công trình trùng tu Đài Tưởng niệm Biệt động thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968 (Ảnh: KH)

Ông Lê Công Đồng - Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) báo cáo về việc thực hiện công trình Đài Tưởng niệm: Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM được thành phố giao phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện công trình này.

Đây là công trình nhóm C – công trình văn hóa cấp 3 từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Địa điểm đặt tại số 3 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1. Diện tích công trình là 79m2, thi công trong 2 năm từ 2017 đến đầu năm 2018 với tổng kinh phí 5,1 tỷ đồng.

Để hoàn thành công trình này đúng tiến độ, các hạng phục phụ trợ được thực hiện đồng loạt như: tháo dỡ nền xi măng, sỏi thành bồn hoa, lan can, cụm tượng đài vận chuyển đến nơi để phục chế; tháo dỡ phù điêu chính bằng gạch đắp xi măng nổi, hai phù điêu phụ bằng xi măng; bệ tượng bằng bê tông cốt thép ốp đá granite, cổng, rào sắt, kính dày 15 li và ray trượt, hệ thống điện chiếu sáng tượng đài xây mới nền sân, lát đá granite, trồng cỏ, xây mới thành bồn hoa, làm mới và lắp đặt tượng phù điêu chính và hai phù điêu phụ…

Ông Lê Công Đồng - Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) (Ảnh: KH)

“Do công trình cấp bách, cần triển khai sớm theo đúng chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP nên sau khi Sở Xây dựng phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, chủ đầu tư đã triển khai ngay việc xây dựng công trình.

Trong quá trình triển khai thi công, gói thầu xây dựng cũng như gói thầu mỹ thuật đã nhận được sự giúp đỡ đóng góp ý kiến của Hội đồng Mỹ thuật cũng như Chủ tịch Hội Kiến Trúc sư thành phố.

Đến nay, công trình đã hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng cao về kiến trúc và mỹ thuật, đảm bảo yêu cầu hoàn thành công trình đúng vào đợt kỷ niệm 50 năm cuộc tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968” - ông Lê Công Đồng cho biết.

Tại buổi lễ, ông Huỳnh Văn Chúm – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy bày tỏ niềm xúc động khi đọc diễn văn ôn lại sự hy sinh của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại Đài Phát thanh Sài Gòn, nay là Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.

Trong cuộc Tổng tiến công này, đội 4 Biệt động Sài Gòn được giao nhiệm vụ tổ chức đánh vào Đài phát thanh Sài Gòn – một trong những cơ quan trọng yếu của chế độ Sài Gòn. Đúng 2 giờ ngày 31/1968, tức rạng sáng mùng 2 tết Mậu Thân, 11 chiến sõ đội 4 Biệt động Sài Gòn Gia Định do đồng chí Nguyễn Gia Lộc, tức Năm Lộ chỉ huy tấn công đánh vào Đài Phát thanh Sài Gòn.

Sau gần 1 đêm chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, đối đầu với kẻ thù đông hơn, mạnh hơn về hỏa lực, 10 chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh.

 “Để ghi nhận, tôn vinh sự hy sinh anh dũng, qủa cảm của các chiến sĩ, đơn vị đội 4 của Biệt động Sài Gòn đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Huân công hạng 2 và được tuyên dương danh hiệu cao quý, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM trùng tu tượng Biệt động thành đánh Đài phát thanh Sài Gòn năm 1968. Song song đó, đã chỉ đạo cho cơ quan chức năng xây dựng 10 di tích, 9 bia tưởng niệm các chiến sĩ biệt động hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu thân 1968 trên địa bàn thành phố”- ông Huỳnh Văn Chúm nói.

Thành phố cũng đang chỉ đạo thi công các Khu tưởng niệm Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại xã Tân Nhật, huyện Bình Chánh…

Việc hoàn thành trùng tu công trình Đài Tưởng niệm ngoài việc thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, lực lượng võ trang thành phố, mà còn là hoạt động ý nghĩa để tôn vinh lan tỏa truyền thống yêu nước trong lớp trẻ thành phố hôm nay.

Bình luận