Hội Nông dân TPHCM đồng hành cùng hội viên

(VOH) - Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, đại diện chân chính cho ý chí, nguyện vọng của giai cấp mình thống nhất với lợi ích chung của dân tộc, cả nước.

Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2021), là dịp để cán bộ, hội viên, nông dân cùng nhân dân cả nước ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam; cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên, nông dân ra sức thi đua, phát huy vai trò, trách nhiệm của giai cấp nông dân và Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Trong đó, Hội Nông dân các cấp đã tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nông dân vượt qua khó khăn, ổn định đời sống….

Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Nguyễn Thanh Xuân (đi đầu) khảo sát thực tế mô hình trồng rau thủy canh của HTX Tuấn Ngọc.
Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Nguyễn Thanh Xuân (đi đầu) khảo sát thực tế mô hình trồng rau thủy canh của HTX Tuấn Ngọc.

Trong những năm qua, Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Hội đã thực hiện tốt vai trò là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, công tác an sinh xã hội luôn được các cấp Hội quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời hỗ trợ cán bộ, hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn…

Hội đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ của những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, vận động chăm lo, tặng quà, tặng học bổng, xây dựng, sửa chữa nhà tình thương, hỗ trợ cây con giống, vốn sản xuất, công cụ sản xuất… cho các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn tại địa phương. Các cấp Hội cũng tích cực thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ nông dân, đào tạo nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật… góp phần giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Ông Phạm Thanh Hùng, Ban Chấp hành Hội Nông dân thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ đã vận động và thành lập nhóm công tác xã hội thị trấn Cần Thạnh, với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Ông Hùng cho biết: “Nhóm công tác xã hội có tiêu chí là giúp đỡ cho những người già, người nghèo, neo đơn. Thứ hai là đối với các em học sinh nghèo, hiếu học, mình hỗ trợ để các em tiếp tục con đường học vấn để sau này giúp ích cho xã hội. Thứ ba là những trường hợp bệnh hoạn đột xuất mà gia đình không có khả năng thì mình hỗ trợ”.

Các cấp Hội luôn bám sát, nắm rõ tình hình đời sống, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân nhằm kịp thời hỗ trợ hội viên nông dân, chăm lo, hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Qua đó xuất hiện nhiều mô hình hay như mô hình “Bó rau nghĩa tình”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Bếp ăn gắn kết Quân Dân”, “Chuyến xe cứu trợ nghĩa tình”, “Bánh mì yêu thương”, “Nhà trọ 0 đồng”…

Mô hình Bó rau nghĩa tình của Hội Nông dân xã Trung An được tổ chức mỗi tuần tại địa điểm Hội quán nông dân đã hỗ trợ rau củ quả các loại cho nông dân với số lượng cung cấp từ 300 – 500 kg/lần cũng như mô hình Chợ phiên 0 đồng tại các xã cũng đã thu hút rất nhiều mạnh thường quân đóng góp, trao tặng cho các hội viên nông dân nghèo, các hộ neo đơn có hoàn cảnh khó khăn trong đợt dịch Covid-19”, bà Trần Thị Lệ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi nói về các mô hình trên địa bàn huyện.

Thực hiện chương trình “Bó rau nghĩa tình”, đến nay, xã Trung An, huyện Củ Chi đã cung cấp hơn 9.500 kg rau muống cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn xã. Chương trình “Nông dân chung một tấm lòng”, định kỳ 1-2 ngày trao tặng 50 phần rau củ quả cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đến nay, xã đã vận động hỗ trợ tiêu thụ hơn 30 tấn khoai mì cho nông dân…

“Hội Nông dân xã đã chú trọng và phát động, vận động nhiều mạnh thường quân và nhà hảo tâm, nhất là hội viên câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn xã cùng chăm lo cho bà con nông dân; Tham mưu Đảng ủy, Ủy ban, Hội Nông dân huyện rồi Hội Nông dân TP để thông báo hỗ trợ tiêu thụ nông sản cần thiết cho nông dân; Nhờ đăng tải trên group Hội Nông dân TP, các đơn vị bạn để họ hỗ trợ”, ông Đặng Văn Kên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung An cho biết thêm.

Đặc biệt, nhiều chương trình được triển khai hiệu quả trong toàn hệ thống Hội. Trong đó, chương trình “Nghĩa tình nông dân Thành phố Hồ Chí Minh” đồng hành kết nối, tiêu thụ nông sản và chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến nay đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ trên 2.700 tấn nông sản cho nông dân.

Chương trình đã phát huy hiệu quả tích cực, vừa tập trung kết nối, hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm, vừa chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho hội viên nông dân và người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngoài ra, Hội còn vận động, trao tặng nhu yếu phẩm hỗ trợ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, các bệnh viện dã chiến, cán bộ, chiến sĩ trực tại các chốt phòng chống dịch bệnh…

“Những mặt hàng của hộ sản xuất nhỏ, lẻ mà không tiêu thụ được thì Hội Nông dân xã làm đầu mối rao bán qua mạng và có số điện thoại trực tiếp của người dân. Có xã làm phong phú hơn thì để tên của chi hội ấp này, ấp kia rồi số điện thoại liên lạc của đồng chí này, đồng chí kia làm đầu mối. Khi người dân cần mua thì sẽ liên lạc anh em chi tổ hội sẽ làm đầu mối để mua bán giùm giúp cho nông dân”, bà Lê Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hóc Môn cho biết.

Công trình
Công trình "Bữa sáng 0 đồng - Nghĩa tình nông dân" do HND phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức thực hiện.

Hội cũng thực hiện nhiều đợt cao điểm chăm lo, hỗ trợ nông dân như trực tiếp thăm hỏi, chăm lo cho cán bộ, hội viên nông dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; chia sẻ, động viên và trao tặng nhu yếu phẩm cho cán bộ, hội viên nông dân là trường hợp F0, F1 và cán bộ, hội viên nông dân tham gia các tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng; tặng học bổng, thiết bị học trực tuyến, sổ tiết kiệm...

Tôi nhận được quà của Hội Nông dân TP, bản thân cảm thấy rất vui và cảm động vì đã được sự quan tâm, chăm sóc của Hội Nông dân TP. Tôi chân thành cảm ơn vì sự giúp đỡ kịp thời trong lúc khó khăn, chúc toàn thể các cấp lãnh đạo và đại gia đình Hội Nông dân chúng ta mạnh khỏe và cùng nhau vượt qua đại dịch”, bà Lưu Thị Tuyến, tổ trưởng tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng, Hội Nông dân xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi bày tỏ.

Để phát huy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, tương thân tương ái của giai cấp nông dân, cũng như nâng cao hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân, bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM lưu ý các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tổ chức đào tạo nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn để nông dân phát triển sản xuất...

Bà Nguyễn Thanh Xuân nhấn mạnh: “Tiếp tục thực hiện Chương trình "Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình cùng cả nước vượt qua dịch bệnh Covid-19” gắn với chương trình “Nghĩa tình nông dân Thành phố Hồ Chí Minh” đồng hành kết nối, tiêu thụ nông sản và chăm lo, hỗ trợ cho hội viên nông dân và người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Thực hiện các hoạt động chăm lo an sinh xã hội cho hội viên nông dân: trao tặng học bổng, thiết bị học tập cho các em có hoàn cảnh khó khăn….”

Tiếp nối truyền thống 91 năm của Hội Nông dân Việt Nam, các cán bộ, hội viên Hội Nông dân TP đang tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh phục hồi sản xuất, kinh doanh, chung tay, góp sức trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân, tích cực chăm lo, cải thiện đời sống của hội viên, góp phần khẳng định vai trò của Hội Nông dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Bình luận