Hơn 17.000 doanh nghiệp đang nợ BHXH ở TPHCM

TPHCM - Chiều 10/12, tại kỳ họp thứ 20, HĐND TPHCM khóa X tổ chức phiên giám sát chuyên đề về "Công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2025".

Trong báo cáo tại kỳ họp, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chỉ ra tình trạng đáng lo ngại về nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Hiện có 17.365 doanh nghiệp đang nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số nợ lên tới 3.055 tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của 93.000 lao động. Trong đó, có 40 doanh nghiệp nợ với số tiền lớn từ 6 tỷ đồng trở lên, thậm chí có doanh nghiệp nợ trên 30 tỷ đồng.

Mặc dù tình hình nợ BHXH nghiêm trọng, nhưng công tác cưỡng chế các doanh nghiệp trốn đóng BHXH vẫn chưa thực sự hiệu quả.

16-7535
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy báo cáo tại phiên giám sát

Từ năm 2020 đến nay, Bảo hiểm xã hội TPHCM chỉ cưỡng chế được 5 đơn vị với số tiền phong tỏa vỏn vẹn 200 triệu đồng. Trước tình trạng này, TPHCM đề nghị các cơ quan trung ương hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các doanh nghiệp nợ kéo dài trên 6 tháng.

Đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, cũng chỉ ra một vấn đề đáng lo ngại khác: TPHCM hiện có khoảng 4,9 triệu lao động, nhưng chỉ có 51% trong số họ tham gia BHXH.

Đặc biệt, số lao động tham gia BHXH tự nguyện rất thấp, chỉ đạt khoảng 0,8-1%. Ông Bình cho rằng cần có các giải pháp mạnh mẽ để tăng tỷ lệ người tham gia BHXH, nhằm giảm gánh nặng cho an sinh xã hội trong tương lai.

Phân tích nguyên nhân, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho rằng mức đóng BHXH hiện nay còn cao và các chế độ chưa thực sự hấp dẫn. Năm 2025, các chế độ chính sách sẽ có nhiều cải thiện, bao gồm chế độ thai sản, tai nạn nghề nghiệp và hưu trí cho người tham gia BHXH tự nguyện, tạo động lực để người dân tham gia bảo hiểm xã hội nhiều hơn.

Bình luận