Hơn 500 xe máy bị vứt bỏ trong bến xe miền Đông và miền Tây

(VOH) - Tại bến xe miền Đông và miền Tây, hơn 500 xe máy bị vứt bỏ trong nhiều năm.

Hơn 5 năm nay, bãi giữ xe của Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) có khoảng 200 xe máy không có người nhận, được chất chồng một góc. Các xe này đều được rút hết xăng để đảm bảo an toàn.

Bãi giữ xe của bến xe có diện tích khoảng 4.400 m2 với hai tầng lầu, theo thiết kế chứa được khoảng 3.500 xe máy. Ở một góc khác trong bãi, nhiều xe máy bị dây leo quấn chằng chịt do chưa có chỗ để. Khá nhiều xe hỏng nặng, biến dạng sau thời gian dài phơi nắng mưa. Các bộ phận như đèn, đầu, yên, bánh xe... bị vỡ nát rụng hẳn ra ngoài. Trước tình trạng trên, Bến xe Miền Đông đã thông báo tìm chủ xe, đồng thời liên hệ với chính quyền địa phương báo cáo hiện trạng nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hướng xử lý.

TPHCM: Hơn 500 xe máy bị vứt bỏ trong bến xe miền Đông và miền Tây
Nhiều hành khách gửi xe trong các bãi ở bến xong vứt bỏ trong nhiều năm. Ảnh minh họa: SGGP

Còn tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), hơn 300 chiếc xe vô chủ cũng ngổn ngang thành đống trong nhà kho sát bãi đỗ xe khách. Nhân viên bảo vệ cho biết, cứ định kỳ vài tháng lại kiểm kê xe trong bãi giữ rồi vận chuyển vào nhà kho. Hàng trăm xe vô chủ chồng chất lên nhau, phần lớn đều là xe số, có giá trị thấp. Bến xe phải làm hàng rào sắt bên ngoài để xe không đổ xuống. Các xe đều phủ lớp bụi dày, bồ hóng giăng kín dưới gầm; các bộ phận máy móc gỉ sét, lòi cả kết cấu bên trong. Nhiều xe bị hư hỏng phần đầu, đuôi, rơi biển số... không thể nhận dạng.

Ông Trần Văn Phương, Phó giám đốc Bến xe Miền Tây cho biết, trên thẻ chỉ giữ xe trong thời hạn một tháng nhưng bến vẫn giải quyết cho lấy nếu đủ các thủ tục và xe còn nguyên số khung...

Theo Phó giám đốc Bến xe Miền Tây, số xe tồn đọng chiếm diện tích bãi giữ xe ảnh hưởng đến doanh thu của bến, đặc biệt là công tác phục vụ hành khách. Năm ngoái, đơn vị đã gửi văn bản đến công an địa phương đề nghị hỗ trợ xử lý các xe này nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết.

Thí điểm xe đạp công cộng ở trung tâm TPHCM

Đại diện Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết đang hoàn chỉnh các phương án triển khai mô hình xe đạp công cộng Mobike để trình lại Thường trực UBND TP HCM thông qua.

Hiện, chủ trương thí điểm mô hình này được lãnh đạo thành phố đồng ý.

Theo đề xuất, sẽ có 388 xe đạp đậu ở 43 trạm tại trạm buýt ở quận 1 và dọc hai tuyến Điện Biện Phủ, Võ Thị Sáu (quận 3) - nơi thành phố đang nghiên cứu tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt. Mỗi trạm có diện tích 20-30 m2, cho 10-20 xe đậu thành hai dãy, bề rộng tối thiểu cho một xe là một mét. Xe đạp sử dụng là loại gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G hoặc bluetooth trên di động. Người dùng cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại rồi quét xung quanh, tìm trạm có xe đạp gần nhất. Để sử dụng và thanh toán tiền, người dùng nạp tiền trước qua tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng có liên kết với ứng dụng Mobike.

Giá thuê xe được đề xuất 5.000 đồng cho 30 phút và 10.000 đồng cho một giờ. Doanh nghiệp sau đó nghiên cứu mở rộng khung thời gian sử dụng như 15 phút, 45 phút và đa dạng các loại vé...

Bình luận