Kéo giảm tranh chấp lao động: Phối hợp ngay từ đầu để ngăn ngừa

(VOH) - Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP có chuyển biến tích cực.

Sáng 17/4, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động, hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp đã có buổi làm việc tại TPHCM về thực hiện Chỉ thị này.

Tranh chấp lao động giảm

Tại buổi làm việc, đại diện Ban chỉ đạo TPHCM cho biết, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP có chuyển biến tích cực. Quy mô về số vụ, số lượt người tham gia tranh chấp lao động tập thể giảm qua các năm. Tính chất các vụ tranh chấp và số vụ tranh chấp có tính chất lây lan giảm.

Nếu như trong giai đoạn từ 2008-2013, trên địa bàn TP xảy ra 737 vụ ngừng việc tập thể, đình công không đúng quy định với khoảng 289.000 người tham gia thì trong giai đoạn từ 2014-2018 chỉ xảy ra 285 vụ. Số người tham gia ngừng việc cũng đã giảm chỉ còn 100.000 người, giảm hơn 70% so với giai đoạn trước.

Nguyên nhân xảy ra ngừng việc chủ yếu là tập trung đòi nợ lương, đề nghị công khai chi trả lương, thưởng, thanh toán tiền phép năm, thực hiện các nội dung pháp luật lao động quy định về tiền làm thêm giờ.

Ngoài ra, do khó khăn trong hoạt động sản xuất, một số doanh nghiệp FDI đã nợ lương, nợ Bảo hiểm xã hội, chủ bỏ trốn về nước không thực hiện nghĩa vụ với người lao động cũng dẫn đến các vụ ngừng việc tập thể. Trong các cuộc đình công, thành phần tham gia là tập thể người lao động bị vi phạm quyền và lợi hợp pháp chính đáng.

Để giải quyết tình hình tranh chấp lao động, TP đã ban hành các quy chế về giải quyết bước đầu các cuộc đình công không đúng pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của hòa giải viên lao động TP. Trong đó hòa giải viên lao động đóng vai trò quan trọng tham gia vào quá trình trung gian hòa giải.

Trong 2 năm 2017-2018, các vụ đình công diễn ra trung bình trong 1 ngày hoặc chỉ mới có dấu hiệu phát sinh tranh chấp đã được giải quyết, vai trò của công đoàn cơ sở từng bước được phát huy. Các quận huyện thí điểm giao hòa giải viên xây dựng hồ sơ quan hệ lao động những doanh nghiệp nguy cơ xảy ra tranh chấp để nắm bắt thông tin, kịp thời đề ra các giải pháp phòng ngừa tranh chấp.

Phối hợp ngay từ đầu để ngăn ngừa

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương ninh và xã hội TP cho biết thành công của vấn đề này là có sự phối hợp ngay từ đầu để thương lượng ngăn ngừa không xảy ra tranh chấp. Nếu tăng cường biện pháp này sẽ là giải pháp tốt trong việc xây dựng quan hệ lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm của tất cả các cấp. Qua xây dựng các thỏa ước lao động tập thể cũng là giải pháp để người lao động và người sử dụng lao động cùng chia sẻ những thuận lợi khó khăn, hiểu nhau thì cũng sẽ kéo giảm. Tiếp tục phát huy vấn đề này sẽ làm cho quan hệ lao động hài hòa, tốt hơn.

Trong 10 năm qua, TP luôn huy động nguồn lực đầu tư công và đẩy mạnh xã hội hóa trong chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động. Đây cũng là một trong những giải pháp giữ vững ổn định, từng bước tiến bộ trong quan hệ lao động. Kết quả đã có hơn 2,4 triệu lượt công nhân lao động được chăm lo với số tiền lên đến gần 430 tỷ đồng và đã có gần 1,5 triệu lượt công nhân lao động được hỗ trợ vốn để cải thiện kinh tế, ổn định cuộc sống với số tiền hơn 15.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, TP tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ban hành nhiều chính sách và biện pháp hỗ trợ dành cho công nhân lao động nâng cao trình độ. Trong đó, Liên đoàn lao động TP giữ vai trò chủ động trong việc nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, nhận thức chính trị, pháp luật cho công nhân lao động. Trong thời gian qua đã có gần 500.000 lượt công nhân lao động tham gia vào các chương trình đào tạo nghề, thi tay nghề, nâng bậc thợ…

Cũng theo ý kiến của Ban chỉ đạo công tác này ở TPHCM, nhất thiết phải huy động cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng quan hệ lao động và thực hiện tốt an sinh xã hội. Thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với chủ doanh nghiệp và người lao động. Từ đó giúp họ hiểu rõ trách nhiệm thực hiện đúng pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích lẫn nhau.

Bên cạnh đó là tăng cường công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị-xã hội, trong doanh nghiệp nhất là đội ngũ hòa giải viên lao động, trọng tài lao động, cán bộ công đoàn…

Phó bí thư thành ủy Võ Thị Dung phát biểu tại buổi làm việc

Phó bí thư Thành ủy Võ Thị Dung phát biểu tại buổi làm việc.

Doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm chính sách và quy định pháp luật

Phó bí thư Thành ủy Võ Thị Dung, Trưởng Ban chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, tổ chức chính trị xã hội và quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn TP cho rằng TP cũng rất nỗ lực, đặc biệt là chủ trương chăm lo cho phát triển quan hệ lao động, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Đối với địa bàn TPHCM để hỗ trợ cho việc xây dựng quan hệ lao động thì không phải chỉ là tập trung trong doanh nghiệp mà còn phải tập trung ở địa bàn dân cư. Việc thực hiện nghiêm chính sách và quy định pháp luật trong doanh nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động là yếu tố rất là quan trọng.

Còn theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ lao động thương binh và xã hội Doãn Mậu Diệp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương thì Chỉ thị 22 của Ban bí thư ra đời vào năm 2008 đã góp phần thúc đẩy, xây dựng được quan hệ lao động tốt hơn, ổn định hơn. Số lượng các cuộc đình công từ năm 2008 cho đến nay đã có xu hướng giảm đáng kể, nhất là ở các TP lớn, có đông công nhân lao động trong đó có TPHCM. Trong thời gian qua, ở Việt Nam có nhiều vụ ngừng việc không xuất phát từ quan hệ lao động, như ngừng việc để phản đối về các chính sách, như điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội, dự luật đặc khu kinh tế….Trong bối cảnh của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc ký kết các FTA thế hệ mới thì một trong những cam kết của Việt Nam là tạo điều kiện cho tổ chức người lao động được thành lập. Vì vậy cần phải nhận diện rõ quan hệ lao động trong bối cảnh mới khi tại doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động.

"Trong quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động, giữa tập thể người lao động và chủ sử dụng lao động khi xảy ra các tranh chấp thì nên tiến hành theo lộ trình như thế nào? Điều này cũng khá là quan trọng vì đòi hỏi thiện chí của các bên trong giải quyết tranh chấp thay vì ngừng việc tập thể. Liệu có cần một bộ máy chuyên trách hỗ trợ giải quyết các tranh chấp lao động tại doanh nghiệp hay không?", Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đặt vấn đề.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương  binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương  binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp phát biểu

Trong tình hình mới, TPHCM cũng đã xây dựng mục tiêu phát triển quan hệ lao động theo hướng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, người sử dụng lao động và người lao động. Đẩy mạnh công tác chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho công nhân lao động từ ngay trong doanh nghiệp xuống tận địa bàn dân cư, nơi công nhân sinh sống tại các khu nhà trọ, khu lưu trú. Mở rộng độ bao phủ các chỉ số quan hệ lao động về phát triển tổ chức công đoàn cơ sở, đoàn viên, tổ chức đại diện người lao động theo quy định pháp luật. Nâng cao tỷ lệ giải quyết thành công tranh chấp lao động, giảm thiểu số vụ ngừng việc không đáng có.

Cũng tại buổi làm việc, TPHCM cũng có 6 kiến nghị gửi đến Ban chỉ đạo Trung ương để xây dựng tốt hơn mối quan hệ lao động hài hòa tiến bộ ổn định trong doanh nghiệp. Trong đó kiến nghị các biện pháp xử lý các vi phạm pháp luật về lao động.