Khánh thành Đền thờ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh

(VOH) - Sáng 20/6, tại Khu Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc, Q.9, TPHCM, Lễ khánh thành Đền thờ và Lễ giỗ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được tổ chức long trọng và trang nghiêm. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP đã đến dự.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Đền thờ

Đền thờ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng nhằm tưởng nhớ công lao, cũng như thể hiện tấm lòng của người dân phương Nam đối với vị tướng có công mở cõi, định hình lập chính quyền và an dân lập nghiệp tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định và khu vực Nam bộ. 

Dự án được khởi công từ ngày 20/4/2015 và sau hơn 1 năm xây dựng đã chính thức khánh thành nhân ngày giỗ lần thứ 316 Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (ngày 16 tháng 5 năm Bính Thân).

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cùng các đại biểu dâng hương Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Công trình được xây dựng trên khu đất rộng hơn 7.400m2, công trình gồm khối đền chính, nhà điều hành, cổng tam quan, văn bia, hồ nước, giao thông nội bộ, kè bảo vệ… Tổng mức đầu tư khoảng 82 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Đền thờ được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống người Việt bằng vật liệu gỗ, nền lót gạch nung và mái ngói.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong đã ôn lại sự nghiệp và công tích to lớn của Đức Lễ Thành hầu trong việc mở cõi phương Nam. Ông Phong nhấn mạnh, đây là nơi để người dân Nam Bộ nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng có điều kiện thắp hương, tưởng nhớ bậc tiền nhân đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử tổ chức khai hoang, mở mang bờ cõi, thiết lập bộ máy hành chính đầu tiên ở vùng đất phương Nam.

Công trình nhằm phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc đồng thời tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa cũng như khơi dậy niềm tự hào của dân tộc đối với thế hệ trẻ.

Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700) là một danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông được xem là vị tướng khai biên xuất sắc, nhà chính trị tài giỏi, nhân hậu, giàu lòng yêu nước, xác lập chủ quyền lãnh thổ Việt Nam đối với vùng đất Nam bộ, góp công lớn định hình nước Việt Nam chữ S ngày nay.

Vào tháng 2 năm Mậu Dần 1698, Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Chu phong Thống suất, kinh lược xứ Đồng Nai. Theo đường biển, thuyền của Nguyễn Hữu Cảnh đi ngược dòng Đồng Nai đến ở tại Cù Lao Phố, là một cảng sầm uất nhất miền Nam bấy giờ.

Ông đã ra sức ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng, lập Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, đồng thời, lấy đất Sài Gòn dựng huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Đất đai mở rộng ngàn dặm, cho chiêu mộ lưu dân đến ở khắp nơi, lập ra các đơn vị hành chính, phân chia ruộng đất, chuẩn định thuế định, điền và lập bộ tịch đinh điền.

Chỉ một thời gian ngắn, Nguyễn Hữu Cảnh không chỉ hoàn thành khối lượng công việc nặng nề từ khai phá, tạo lập, ổn định dân cư, tổ chức sản xuất phát triển kinh tế mà còn góp phần truyền tải văn hóa Đại Việt vào phương Nam, đặt nền móng vững chắc phát triển vùng đất phía Nam, kể từ đó miền đất này chính thức trở thành một đơn vị hành chính thuộc lãnh thổ nước ta.

Với công lao to lớn, Nguyễn Hữu Cảnh được triều đình nhà Nguyễn ghi nhận, phong tước hiệu Lễ Thành hầu - Khai quốc công thần - Thượng đẳng công thần. Công đức và nhân cách của ông đọng lại sâu sắc trong tiềm thức của người dân, được dân yêu, dân kính và mãi mãi lưu truyền hậu thế.

Ngoài lăng mộ của ông ở quê hương Quảng Bình, nhiều vùng đất khác cũng lập đền thờ tưởng nhớ công lao của ông như Cù Lao Phố (Đồng Nai), Đình Minh Hương Gia Thạnh (TP Cần Thơ), nhiều đền thờ ở An Giang…