Chiều ngày 13/1, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP trong những ngày qua.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.
Tham dự có Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ -TB&XH) Nguyễn Văn Lâm; Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) Võ Trọng Nam; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương; Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; đại diện Bộ Tư lệnh TP; đại diện Công an TP; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP; đại diện Hội Dược học TP; Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp Phan Minh Hoàng cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.
Về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho hay, tính đến 18 giờ ngày 12/1/2022, có 510.195 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 509.542 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 653 trường hợp nhập cảnh. Hiện TP đang điều trị 4.152 bệnh nhân (BN), trong đó: có 82 trẻ em dưới 16 tuổi, 301 BN nặng đang thở máy, 18 BN can thiệp ECMO. Trong ngày12/1: có 275 BN nhập viện, 295 BN xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 313.141), 19 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 20.182 người). Về tiêm chủng, đến ngày 12/1/2022, đã có 8.079.2509 mũi 1 và 7.226.684 mũi 2, 492.691 mũi bổ sung và 3.074.870 mũi nhắc lại được tiêm cho người dân TPHCM. |
Từ tháng 2/2022, trẻ mầm non đến trường trên tinh thần tự nguyện
Thông tin tại họp báo, ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT) cho biết, UBND TP đã ban hành Quyết định số 140/QĐ-UBND về kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, từ tháng 9/2021 đến tháng 1/2022, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn triển khai nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức và quận huyện tổ chức. Đồng thời, phân công trực và thường xuyên vệ sinh khử khuẩn môi trường; đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất tại các trường; rà soát danh sách trẻ đăng ký nhập học theo lứa tuổi, hỗ trợ củng cố kỹ năng và kiến thức cho trẻ khi chưa đến trường.
Từ tháng 2/2022 đến tháng 7/2022, trẻ em đến trường tham gia các hoạt động trực tiếp theo tinh thần tự nguyện của cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Thời gian kết thúc năm học dự kiến vào ngày 29/7/2022.
Tuy nhiên, về lộ trình và lịch đi học trực tiếp của trẻ, Sở GD&ĐT đang trình UBND TP trong đó bao gồm cả lộ trình đi học trực tiếp của học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trên địa bàn TP.
Liên quan đến công tác tuyển dụng giáo viên mần non để đảm bảo cho việc trẻ đến trường theo quyết định trên, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT) cho hay, Sở đã có chỉ đạo các cơ sở giáo dục (bao gồm cả cơ sở giáo dục mầm non) trên địa bàn TP chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh đi học trực tiếp trở lại, trong đó có vấn đề nhân sự, đội ngũ giáo viên hoặc bảo mẫu đối với mầm non.
Thực tế hiện nay có một số cơ sở giáo dục mầm non thiếu giáo viên, bảo mẫu, Phòng GD&ĐT sẽ tham mưu cho UBND các quận - huyện có kế hoạch tuyển giáo viên mầm non để bổ sung số lượng còn thiếu.
Về đảm bảo khoảng cách trong lớp học, trường học, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế đã có hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở giáo dục, trên tinh thần không cấm các hoạt động phục vụ cho việc học trực tiếp bán trú và nội trú nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch theo Bộ tiêu chí an toàn trên lĩnh vực GD&ĐT và cập nhật liên tục trong quá trình tổ chức dạy và học trực tiếp.
Không bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán sắp tới
Trao đổi với báo chí về một số hoạt động văn hóa dịp Tết cổ truyền sắp tới, ông Võ Trọng Nam, Phó GĐ Sở VH-TT cho biết, kế hoạch hoạt động cụ thể đã được Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP trình và đang chờ UBND TP phê duyệt.
Theo kế hoạch đề xuất này, kéo dài từ đây đến hết tháng 2/2022 sẽ có 18 hoạt động chủ yếu như: Chợ hoa Xuân trên bến dưới thuyền; Đường hoa Nguyễn Huệ; Hội hoa Xuân Tao Đàn; Gặp mặt Kiều bào Xuân Nhâm Dần 2022; Gặp mặt lãnh sự quán các nước tại TPHCM; Lễ dâng hương - dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng; Chương trình biểu diễn nghệ thuật mừng ngày thành lập Đảng (3/2)… Tùy theo cấp độ dịch bệnh của TP, lãnh đạo TP sẽ quyết định cụ thể cho từng hoạt động.
“Trên tinh thần cùng cả nước thực hiện chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch COVID-19, dịp Tết cổ truyền này TPHCM sẽ không tổ chức bắn pháo hoa” – ông Võ Trọng Nam chia sẻ.
F0 có kết quả xét nghiệm “âm tính” không có nghĩa là đã khỏi bệnh
Trả lời băn khoăn liệu F0 có kết quả xét nghiệm “âm tính” có được xem là khỏi bệnh hay chưa, bác sĩ Phan Minh Hoàng – Giám đốc Bệnh viện phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp TP thông tin: “Âm tính” thể hiện nồng độ vi rút thấp, ít có khả năng lây nhiễm cộng đồng nhưng không có nghĩa là bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Theo bác sĩ Phan Minh Hoàng, đa số bệnh nhân có di chứng hậu COVID-19 đều bị ảnh hưởng về hô hấp, một số di chứng về tim mạch và tâm lý.
Vì vậy, ngành Y tế TP luôn khuyến cáo bệnh nhân COVID-19 tuân thủ tái khám định kỳ sau khi xuất viện để khám, xét nghiệm tổng quát, chuyên sâu đảm bảo được khỏe mạnh hoàn toàn và không có triệu chứng nào của SARS-CoV-2 để lại.
Bên cạnh việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, hiện nay, Bệnh viện cũng phối hợp với mạng lưới Thầy thuốc đồng hành chủ động liên hệ với trung tâm y tế các quận – huyện, bệnh nhân có bệnh lý nền đã xuất viện để thăm hỏi sức khỏe cho người dân.
22.500 trường hợp ký cam kết tuân thủ quy định về tiếng ồn trong sản xuất kinh doanh và cộng đồng dân cư
Liên quan đến vi phạm tiếng ồn, Thiếu tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an TP) cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP tại Công văn số 560 ngày 26/2/2021, Công văn số 797 ngày 9/3/2021 và Thông báo số 39 của Văn phòng UBND TP về tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm tiếng ổn trên địa bàn TP; Công an TP đã ban hành hướng dẫn cụ thể thực hiện công tác này.
Từ ngày 30/3/2021 đến nay, Công an TP phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức rà soát, lên danh sách và yêu cầu 22.500 trường hợp ký cam kết tuân thủ các quy định về tiếng ồn trong sản xuất kinh doanh và cộng đồng dân cư; tháo dỡ các loa nhạc thường xuyên gây tiếng ồn; nhắc nhở 515 cơ sở kinh doanh và hộ gia đình chấn chỉnh hoạt động gây tiếng ồn.
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 26 trường hợp điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, gây huyên náo nơi khu dân cư. Công an TP cũng tiếp nhận hơn 700 tin báo về cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ dân cư gây tiếng ồn; lực lượng công an địa phương đã ra quyết định xử phạt 59 trường hợp với số tiền 47.250.000 đồng.
Lý giải vì sao nhận được hơn 700 tin báo nhưng chỉ xử phạt 59 trường hợp, Thiếu tá Lê Mạnh Hà chia sẻ, trong kế hoạch của TP về tuyên truyền, xử lý vi phạm tiếng ồn đặt ra 02 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở (đến khoảng tháng 7/2021) và giai đoạn 2 tập trung xử lý vi phạm.
Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm để ra quyết định xử phạt, nhiều trường hợp phản ánh nhưng không đủ căn cứ về mức độ tiếng ồn, thời gian vi phạm nên không thể xử lý.
Hoạt động khai báo y tế, truy vết vẫn được thực hiện chặt chẽ
Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho biết TPHCM đã trở thành “vùng xanh”, các hoạt động dần trở lại “bình thường mới”. Tuy nhiên, để giữ được thành quả này, công tác phòng chống dịch không được chủ quan, lơ là mà càng phải cẩn trọng hơn bao giờ hết.
Ngày 29/11/2021, Bộ Y tế ra Hướng dẫn 11042/BYT-DP về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19. Trong đó, phân loại F0, F1 và các trường hợp cần giám sát với định nghĩa chi tiết. Do đó, việc khai báo y tế, truy vết vẫn tiến hành chặt chẽ theo định nghĩa mới, giúp ngành y tế không bỏ sót trường hợp nghi ngờ thuộc nhóm nêu trên, cũng như không phải cách ly tràn lan, làm hao phí nguồn lực phòng, chống dịch.
Các trường hợp mắc Omicron tại TPHCM đều đã được xuất viện
Thông tin tại họp báo, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, TP đã ghi nhận 12 ca mắc Omicron, được cách ly và điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12. Đến 15 giờ ngày hôm nay (13/1), toàn bộ 12/12 trường hợp đều đã được xuất viện và đảm bảo đúng theo quy định của ngành y tế.
Trong 12 ca này, chỉ 2 ca có triệu chứng sổ mũi nhẹ, ho, còn lại không có triệu chứng. TP cũng đã thực hiện xét nghiệm đối với hơn 2.000 hành khách đi cùng chuyến bay với 12 bệnh nhân trên và chưa ghi nhận trường hợp lây nhiễm.
Về chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, qua rà soát, thông kê phát hiện 25.837 người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Qua chiến dịch, TP cũng phát hiện trên 5.000 người mắc COVID-19. Đến nay, 18.493 người, chiếm 71,6%, đã được tiêm vắc xin.
Số còn lại có thể nằm trong nhóm chưa tiêm hoặc thuộc nhóm mắc COVID-19 hoặc chống chỉ định tiêm. Hiện, ngành y tế vẫn tiếp tục triển khai, thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tư vấn, thuyết phục và tiêm vắc xin tại nhà cho các đối tượng này.
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tiếp tục phát tờ rơi hướng dẫn chăm sóc sức khỏe nhóm này để bảo vệ cho người cao tuổi không mắc COVID-19.
Về miễn dịch cộng đồng, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cũng thông tin, theo lý thuyết, nếu toàn dân số đã được tiêm, ngoại trừ một số trường hợp chống chỉ định, thì TP đạt miễn dịch cộng đồng và bảo vệ được nhóm không tiêm.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù tiêm với tỷ lệ 100% dân số thì thành phố vẫn gặp khó khăn trong di dân biến động dân số. Ngoài ra, chủng virus mới cũng là một nguy cơ.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nhà khoa học trên thế giới thì việc tiêm mũi bổ sung có hiệu quả với Omicron nhưng trong tương lai không thể dự báo có thêm các biến chủng mới hay không. Do đó, TPHCM tiếp tục khuyến cáo và khuyến khích người dân tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19