Kiều hối là nguồn lực rất lớn để đầu tư, phát triển

(VOH) - Tối 25/1, 300 kiều bào là các doanh nhân, trí thức đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo TPHCM.

“Trong khó khăn, nhưng với nỗ lực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp sức từ bên ngoài, trong đó có bà con kiều bào của chúng ta ở các nước, thành phố đã đạt những điểm sáng về kinh tế xã hội. Thu ngân sách đạt được dự toán. TPHCM cũng thu được lượng kiều hối của bà con gởi về trên 6,6 tỷ đô la Mỹ, gần bằng với đầu tư trực tiếp nước ngoài” – Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ tại buổi họp mặt.

Theo ông Phan Văn Mãi, lượng kiều hối của bà con gửi về nước, trong đó có TPHCM là nguồn lực rất lớn. Nếu Thành phố nghiên cứu, có những chính sách để số kiều hối này đi vào đầu tư kinh doanh thì sẽ tạo ra nguồn lực rất lớn cho Thành phố phát triển trong thời gian tới.

 Chủ tịch UBND Thành phố, Phan Văn Mãi, kiều bào
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với bà con kiều bào

Xem thêm: Tạo điều kiện cho người nước ngoài, kiều bào cùng thân nhân về nước

“Đi qua năm 2021, có được những kết quả như thế, chúng tôi đánh giá rất cao sự chung sức đồng lòng của bà con thành phố, sự đoàn kết đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là sự quan tâm, chia sẻ, lo lắng của bà con đang sống ở nước ngoài trong giai đoạn khó khăn nhất của dịch” – Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.

Lãnh đạo Thành phố đánh giá rất cao những chia sẻ, góp ý, sáng kiến của bà con trong phòng chống dịch, phục hồi kinh tế cho đến những giúp đỡ rất cụ thể về vật chất, trang thiết bị, thuốc men do bà con kiều bào gửi về, đó là những nguồn lực động viên tinh thần vật chất giúp thành phố vượt qua giai đoạn rất khó khăn.

Năm 2022, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Thành phố sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kinh tế xã hội để làm sao phục hồi cho được mức như trước dịch, nghĩa là kinh tế xã hội của Thành phố có thể trở lại của thời điểm đầu năm 2020.

Để thực hiện được việc này, lãnh đạo Thành phố cho biết đã đề ra chủ đề năm 2022 với bốn vấn đề trọng tâm. Theo đó, phòng chống dịch, đảm bảo phòng chống dịch, xem đây là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế.

Thứ hai sẽ tập trung nâng cao chất lượng, xây dựng chính quyền đô thị, khi thành lập thành phố Thủ Đức rồi cơ chế hoạt động như thế nào, cơ chế chính quyền đô thị, quận phường không có hội đồng nhân dân có những cơ chế để vận hành suôn sẻ.

Thứ ba là cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện tốt, có hiệu quả cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để vận động các nguồn lực tại thành phố, nguồn lực bên ngoài thành phố và nguồn lực ở nước ngoài để phục vụ cho mục tiêu, nhiệm vụ phát triển thành phố.

Thứ tư, tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, xem đây là lực lượng đóng góp quan trọng, trực tiếp cho Thành phố.

Ông Philipp Roesler - người Việt Nam ở Đức, nguyên Phó Thủ tướng Đức, hiện đang là lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Thụy Sĩ chia sẻ, đối với ông, năm 2022 là một năm đặc biệt, trại trẻ mồ côi mà ông vừa đến thăm, trước đó là trạm xá và bệnh viện, nay đã biến thành trại trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19.

Ông cho biết mỗi người cần có cách đóng góp khác nhau, đặc biệt đối với bà con kiều bào thì tình yêu quê hương đất nước, tình gắn kết với nhau rất lớn. “Chuyến đi này không chỉ cho tôi những ấn tượng thú vị về đất nước mà còn nhắc nhở tôi làm nhiều hơn nữa” - ông Philipp Roesler trải lòng.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, kiều bào
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên gặp gỡ bà con kiều bào vào tối 25/1 tại TPHCM

Từ một kiều bào Úc, ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn liên kết thương mại toàn cầu với thương hiệu cà phê Meet More cho biết, đã trở về Việt Nam tìm kiếm và sử dụng nông sản sạch của Việt Nam chế biến sâu và xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Ông luôn nung nấu và trăn trở là làm thế nào để giúp cho nông sản của Việt Nam có được chỗ đứng xứng đáng trên thị trường quốc tế.

“Trong những năm gần đây, ngoài xu hướng trở về quê hương lập nghiệp của các thế hệ kiều bào đi trước và có những dấu ấn thành công nhất định, thì gần đây, các kiều bào của thế hệ trẻ cũng phát triển tăng cả về lượng và chất. Kiều bào đã thành lập được mạng lưới, kết nối được cộng đồng doanh nhân trong và ngoài nước để hình thành nên những hoạt động hướng về đất nước” – ông Luận nói.

Mỗi một kiều bào đều ý thức được giá trị phát triển từ mô hình mạng lưới kết nối cộng đồng doanh nhân và có sự đồng lòng, chung tay hỗ trợ lẫn nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức để cùng nhau phát triển và đi lên.

Dịp này, UBND TPHCM đã tặng Cờ truyền thống cho Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM. UBND TPHCM cũng tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài.