Lãnh đạo thành phố nỗ lực giải quyết các vấn đề tồn tại vì sự phát triển

(VOH) - Trong 20 năm trở lại đây, TPHCM đã triển khai hàng loạt công trình với quy mô về đất đai rất lớn, nguồn vốn lớn để phục vụ cho nhu cầu phát triển.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Khu công nghệ cao quận 9...và Công viên Safari ở Củ Chi đã thay đổi diện mạo thành phố, biến nhiều khu vực hoang hóa, ô nhiễm trở thành nơi sầm uất, hiện đại. Thế nhưng trong quá trình phát triển này, thành phố cũng gặp phải sai sót dẫn đến sự phản ứng đáng tiếc từ người dân. Bằng tinh thần cầu thị, lắng nghe và đối thoại thẳng thắn, lãnh đạo thành phố đang từng bước khắc phục được những sai sót của mình. 

Công trình xây dựng, chỉnh trang đô thị có quy mô lớn nhất, được dư luận đặc biệt quan tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm. Manh nha từ cuối những năm 90, đến nay khu đô thị đã dần hình thành, tạo nên diện mạo mới cho thành phố. Dù vậy dự án chưa thực sự trọn vẹn khi còn những hộ dân tiếp tục khiếu nại vì cho rằng đất của họ bị thu hồi trái luật.

Một dự án khác có quy mô lên tới 500ha và vốn đầu tư 500 triệu đôla Mỹ là Sài Gòn Safari ở Củ Chi cũng gặp khó khăn vì vấn đề đất đai. Được kỳ vọng là công viên bán hoang dã lớn nhất Việt Nam và đạt tầm cỡ khu vực nhưng đến nay các bước thực hiện đang chững lại vì khiếu nại.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến Khu công nghệ cao tại quận 9. Là 1 trong 3 khu công nghệ cao quốc gia được thành lập theo Quyết định của Chính phủ, dự án có quy mô hơn 913 ha. Từ năm 2002, UBND quận 9 đã bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 3.110 hộ dân bị ảnh hưởng nhưng hiện vẫn còn một số hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng.

Xâu chuỗi lại các sự việc trên, một câu hỏi được đặt ra “Tại sao các công trình lớn như thế lại để xảy ra sai sót?”. Trước thắc mắc này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan đã có những chia sẻ chân thành. Theo ông, các công trình lớn của thành phố trước hết đều xuất phát từ quan điểm phát triển để người dân có điều kiện sống tốt hơn. Thế nhưng trong quá trình thực hiện đã có những việc đáng tiếc xảy ra. “Những chính sách của thành phố dù thuận lợi bao nhiêu thì vẫn không thể làm hài lòng hết tất cả người dân. Bởi chính sách của thành phố còn chịu sự ràng buộc về quy định, quyết định và về chính sách nên chắc chắn khi triển khai trong thực tế sẽ có khoảng cách”, ông Võ Văn Hoan nói. 

TPHCM trên đà phát triển nhanh. Hình minh họa: PN

Bên cạnh đó, sự thay đổi của luật pháp qua các năm cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các sai sót. Ông Võ Văn Hoan đơn cử như tại Khu đô thị Thủ Thiêm, dự án này trải qua 4 nhiệm kỳ lãnh đạo nhưng có tới 3 lần thay đổi Luật Đất đai vào các năm 1993, 2003 và 2013. Kéo theo sự thay đổi của các luật như: Luật Đầu tư công, Luật Kinh doanh bất động sản... dẫn đến tình trạng quản lý lỏng lẻo, sai phạm, khiến các dự án bị méo mó, không còn “giữ được cái khung như ban đầu”.

Những ngày qua, TPHCM tổ chức nhiều cuộc họp báo để công bố quá trình thực hiện kết luận thanh tra của Chính phủ cũng như ý kiến chỉ đạo tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Khu công nghệ cao quận 9 và Công viên Sài Gòn Safari ở Củ Chi. Điều đó cho thấy sự nghiêm túc và nỗ lực của thành phố trong việc giải quyết quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân.

Với Khu công nghệ cao, từ khi có phát sinh khiếu nại tố cáo, thường trực UBND TP đã nhiều lần tiếp xúc và đối thoại thẳng thắn với người dân. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo ông Trần Văn Bảy - Chủ tịch UBND quận 9 tổ chức hơn 30 buổi lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các hộ dân bị thu hồi đất, đồng thời xin ý kiến về chính sách bồi thường, hỗ trợ. Sau đó, Chủ tịch UBND TP đã tổ chức thêm 3 buổi tiếp các hộ dân để công bố chính sách và tiếp tục lắng nghe ý kiến.

Ông Từ Lương – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thông tin thêm về trình tự giải quyết liên quan Khu công nghệ cao: “Thứ nhất, nghiên cứu, rà soát hồ sơ bồi thường, điều kiện, hoàn cảnh, mời tiếp xúc và ghi nhận nguyện vọng của 49 trường hợp khiếu nại, tố cáo. Từ đó đề xuất chính sách hỗ trợ theo hướng đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất, phù hợp với tình hình thực tế. Thứ hai là đề xuất chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị thu hồi đất trong phần diện tích 40,99 ha nằm trong ranh quy hoạch dự án theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm tháng 4 năm 2017”.

Còn tại công trình Công viên Sài Gòn Safari với diện tích hơn 485ha, hiện Củ Chi đã thu hồi được đất của 690/705 hộ (đạt 97,87%), với diện tích bồi thường là 463,65ha. Còn lại 15 hộ chưa đồng ý giá bồi thường nên chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Có 443 hộ đủ điều kiện tái định cư (trong đó số hộ đăng ký tái định cư tập trung là 247 hộ, 196 hộ nhận tiền hỗ trợ 20% giá trị đất để tự lo nơi ở mới).

Ông Nguyễn Văn Út - Chánh văn phòng UBND huyện Củ Chi cho biết: Mục tiêu của huyện là đảm bảo được quyền lợi của những hộ dân trong dự án. “Thực hiện chỉ đạo của Huyện uỷ là quan tâm là tạo mọi điều kiện tốt nhất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện khu tái định cư cho 247 hộ có nhu cầu an sinh, tái định cư, ổn định cuộc sống. Và báo cáo với các cơ quan báo chí là cả tuần qua, chúng tôi làm việc ngày đêm cho khu tái định cư này” - ông Nguyễn Văn Út thông tin.

Riêng ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cách tính giá đất bồi thường cho các hộ dân sẽ được áp theo giá hiện nay, chứ không phải 10 năm trước, đồng thời dựa trên giá bồi thường ở các dự án lân cận. Giá bán nền đất, nền nhà tái định cư cho người dân cũng được thành phố tính theo giá Nhà nước. Hiện UBND Quận 2 được giao phải sớm công khai công thức tính này để người dân có thể nắm rõ, hiểu rõ hơn về chính sách của thành phố. Theo ông Nguyễn Phước Hưng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 2: Để có được chính sách này, các cấp các ngành của thành phố đã làm việc cật lực: “Tổ công tác liên ngành gồm có quận 2 và các sở ngành liên quan đã làm việc nhiều lần. Có nhiều buổi tiép xúc với bà con, lắng nghe tâm tư của bà con và sau đó tiếp thu, chỉnh sửa đẻ tham mưu cho UBND TPHCM”.

Những lời khẳng định này đã phần nào cho thấy thiện chí cũng như mong muốn của thành phố trong việc khắc phục, giải quyết rốt ráo những tồn tại, sai sót trong thời gian qua. Chính quyền thành phố luôn cố gắng tính toán theo hướng “có lợi nhất” cho người dân có đất bị thu hồi, giải tỏa ở các dự án trên. Tinh thần cầu thị, hành động quyết liệt của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đã tạo được niềm tin cho người dân thành phố. Một số người dân nhận thấy thành phố đã hết sức cầu thị và "mong các bên hãy nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề vì thành phố sẽ không để người dân thiệt thòi”.

Trong quá trình triển khai 3 công trình lớn nói trên, thành phố đã có một số sai sót, vi phạm như kết luận của Thanh tra Chính phủ, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, gây bức xúc đối với một số hộ dân. Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, thành phố sẽ tập trung khẩn trương thực hiện kết luận thanh tra mà điều quan trọng là đảm bảo lợi ích cho người dân, giải quyết thấu lý đạt tình vì sự phát triển chung. Riêng vấn đề xác định trách nhiệm, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình thực hiện thì ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định: “Đúng sai như thế nào thì đã có Chính phủ kết luận. Việc mà chúng ta cố gắng, là trách nhiệm của chính quyền thành phố. Và chúng tôi cũng nói với các đồng chí là chúng tôi xem đây là trách nhiệm của chúng tôi. Xuyên suốt từ trước đến nay vẫn vậy, có thể có nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ nhưng mà trách nhiệm đối với người dân là trách nhiệm chung”.

Quan điểm của lãnh đạo thành phố trong năm nay là cố gắng giải quyết thật tốt những vấn đề lớn, đặc biệt là các vụ khiếu nại kéo dài, có tính chất phức tạp. Điều quan trọng là các bên liên quan hãy nhìn nhận vấn đề một cách công tâm, khách quan và cầu thị, vì sự phát triển. Có như thế, chúng ta mới góp phần đưa thành phố bước lên và bước đi vững chắc trong quá trình phát triển.

Bình luận