Lễ hội Khai Hạ - Cầu An nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

(VOH) – Sáng 25/8, tại Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt, UBND Quận Bình Thạnh long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Khai Hạ - Cầu An”.

Trong không khí kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, nhân Lễ giỗ lần thứ 190 Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt (1832-2022), sáng 25/8, tại Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt, UBND Quận Bình Thạnh long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Khai Hạ - Cầu An” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng tham dự và phát biểu tại buổi Lễ. 

Trong suốt chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ cha ông đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc nên một nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc và đa dạng. Thành quả sáng tạo, giữ gìn, trao truyền của cha ông đã để lại cho chúng ta là một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú.

Lễ hội Khai Hạ - Cầu An: Nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Lễ đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Khai Hạ - Cầu An”. 

Lễ hội Khai Hạ - Cầu An tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt là lễ hội thứ ba của Thành phố được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, thể hiện sự trân trọng và ghi nhận của Nhà nước đối với những cống hiến, đóng góp to lớn của Nhân dân vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa, Bình Thạnh ngày nay đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này. Đây không chỉ là niềm tự hào của Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mà còn góp phần làm đa dạng của kho tàng của di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam. 

Bà Lâm Thị Hoàng Oanh - Trưởng ban quản lí Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt bày tỏ niềm tự hào, vinh dự trong buổi Lễ đón nhận: "Để được vinh dự này đó là sự duy trì, tiếp nối, sự tham gia đóng góp công sức của Hội Thượng công của Ban quý tế, của những người trực tiếp thực hành nghi thức tế lễ và sự tham dự động dù của người dân trong khu vực. Tôi xin ghi nhận và tiếp tục thực hiện bảo tồn, tôn tạo và phát huy hơn nữa những giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Khai hạ - Cầu an” do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Cùng với Lễ hội Khai Hạ - Cầu An tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt vào mùng 7 tháng giêng âm lịch hằng năm; lễ giỗ lần thứ 190 Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (vào ngày mùng 1 tháng 8 âm lịch) nhằm ghi nhớ công lao vị quan thanh liêm đã chăm lo tốt đời sống nhân dân, có tầm nhìn xa rộng đặt nền tảng xây dựng và phát triển Sài Gòn - Gia Định nói riêng và vùng đất Nam bộ nói chung trở nên trù phú. Lễ hội này đã trở thành một hoạt động tín ngưỡng, văn hóa có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống người dân Sài Gòn - Gia Định - TPHCM nói riêng, nhân dân Nam bộ nói chung.

Chủ tịch UBND Quận Bình Thạnh Đinh Khắc Huy tại buổi lễ cho biết: Việc đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Khai Hạ - Cầu An” là niềm vinh dự, tự hào của Quận, đồng thời cũng đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quận trách nhiệm to lớn là phải tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy hơn nữa giá trị của di sản vô giá này, góp phần xây dựng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho những giá trị văn hóa của cha ông để lại mãi mãi tỏa sáng cùng với những bước phát triển của đất nước.

Ông Đinh Khắc Huy nhấn mạnh: "Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Bình Thạnh tiếp tục kế thừa phát huy truyền thống cách mạng, bản lĩnh kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, quyết tâm vượt qua mọi thử thách, thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XII, cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, hiện đại hoá đất nước; đồng thời xây dựng quận Bình Thạnh phát triển bền vững". 

Văn hóa Việt Nam - cội nguồn sức mạnh dân tộc, sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ then chốt trong Chiến lược phát triển văn hóa. Trong những năm qua, Thành phố đã chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm giữ gìn cốt cách, tâm hồn, bản lĩnh Việt Nam, phát huy đặc trưng con người Thành phố, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng khẳng định: Lễ hội Khai hạ - Cầu an là một di sản văn hóa quan trọng của vùng đất Gia Định - Sài Gòn xưa và Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị: "Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Du lịch, các cơ quan liên quan, Đảng bộ, Chính quyền quận Bình Thạnh với tất cả tình cảm và trách nhiệm hãy hợp tác chặt chẽ, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Khai hạ - Cầu an tại lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt để luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Nam bộ, của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và quận Bình Thạnh nói riêng. Cần có nhiều hình thức thiết thực, sinh động để quảng bá di sản văn hóa phi vật thể, truyền thống lễ hội Khai hạ - Cầu an tại lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt của TP.HCM đến cả nước và bạn bè quốc tế. Để lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt là điểm đến trang nghiêm nhưng rất hấp dẫn, gần gũi đặc trưng của du lịch mà du khách không thể bỏ qua khi đến TPHCM". 

Bình luận