Theo đó, Lễ hội Nghinh Ông năm nay sẽ được tổ chức với nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian, vui chơi giải trí đặc sắc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân; xây dựng tinh thần hiếu khách, tương thân tương trợ trong các tầng lớp nhân dân; xây dựng tác phong văn minh đô thị, văn minh thương nghiệp, phục vụ du khách, góp phần phát triển ngành du lịch của huyện Cần Giờ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; tăng cường giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lòng yêu nghề, yêu quê hương, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cụ thể vào ngày 12/9, tổ chức Lễ Viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Rừng Sác Cần Giờ, Lễ Thượng đại kỳ lễ hội và Lễ Mừng công ngư dân Cần Giờ. Vào ngày 13/9, tổ chức Lễ Cúng tiền hiền hậu hiền, bạn cũ lái xưa; Chương trình nghệ thuật Nghinh Ông Cần Giờ - Đêm hội Trăng rằm và tổ chức đoàn thuyền hoa đăng, thả đèn trên biển. Vào ngày 14/9, tổ chức Lễ Nghinh Ông trên biển và đón đoàn Nghinh về Lăng Ông Thủy tướng.
Hình minh họa: internet
UBND TP cũng tổ chức một số hoạt động như: triển lãm hình ảnh, hiện vật; tổ chức các khu vực ẩm thực; tổ chức các loại hình trò chơi dân gian mang tính đặc trưng ngành nghề vùng biển, các gian hàng trò chơi dân gian phục vụ nhân dân, du khách và thiếu nhi; tổ chức thực hiện xe thư viện lưu động kỹ thuật số phục vụ du khách và người dân Cần Giờ; tổ chức các suất biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, văn nghệ phong trào, giao lưu đờn ca tài tử; văn nghệ thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu; tổ chức liên hoan Lân Sư Rồng và Diều nghệ thuật; tổ chức các giải thi đấu thể thao; bắn pháo hoa hỏa thuật…
Lễ hội nghinh "Ông", hay là lễ cúng cá "Ông" (cá voi) gắn liền với tục thờ cá ông phổ biến từ đèo Ngang trở vào đến Hà Tiên, đảo Phú Quốc, là loại lễ hội nước lớn nhất của ngư dân. Bằng nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá "Ông", lễ cúng "Ông", lễ nghinh "Ông", lễ nghinh ông Thuỷ tướng, nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá "Ông" là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương nói trên.