Luật An ninh mạng còn nhiều chồng chéo

(VOH) - Ngày 02/3/2018, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức hội thảo để góp ý về Dự án Luật An ninh mạng.

Đồng tình với tên gọi của Luật, song Luật sư Trương Thị Hòa cũng cho rằng, đây là dự án Luật quan trọng có liên quan đến nhiều dự án luật khác nhau như Luật An ninh quốc gia, Luật Cơ yếu và Luật An toàn thông tin mạng nên cần xem xét, nghiên cứu cụ thể hơn.

Theo đó, phạm vi và đối tượng điều chỉnh, ngoài bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia cũng cần phải ghi rõ việc bảo vệ quyền lợi ích của tập thể, cá nhân trên không gian mạng.

Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng: “Không thể bỏ qua mà chính vì nội dung trong Luật đã đề cập đến điều đó thì tại sao trong phạm vi này chúng ta không đề cập đến để Luật của chúng ta được sáng đẹp. Đặc biệt là bảo vệ quyền con người, quyền công dân mà nhiều điều trong dự thảo đã nhắc đến.

Vì thế nên bổ sung thêm trong Điều 1 về phạm vi điều chỉnh vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức.”


Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức hội thảo để góp ý về Dự án Luật An ninh mạng.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với tính chất quan trọng, tác động rộng rãi đến xã hội, dự Luật cần cân nhắc trong sử dụng từ ngữ, câu chữ ở nhiều Chương, Điều, Khoản để đảm bảo tính thống nhất.

Thêm vào đó, việc bảo vệ không gian mạng quốc gia được quy định ở Điều 7 cần phải định hướng rõ ràng về không gian mạng, sau đó giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Ngoại giao xác định lại phạm vi không gian mạng Quốc gia.

Ông Trần Quốc Tú, Phó Trưởng phòng Kiểm tra văn bản, Sở Tư pháp TPHCM đánh giá giữa Luật An ninh Quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng này có sự chồng lấn về phạm vi, đối tượng điều chỉnh. Do vậy, tôi thấy rằng, trong trường hợp này việc giải thích từ ngữ chưa thực sự chuẩn và đúng.

“ Khi chúng ta giải thích tội phạm mạng là hành vi sử dụng không gian công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để phạm tội thì chưa cụ thể. Chúng ta đã có Bộ Luật hình sự quy định cụ thể về “khái niệm tội phạm” là gì rồi, mà nếu đối chiếu cả định nghĩa ở 2 Luật này thì thấy rõ rằng không thống nhất với nhau.” - ông Trần Quốc Tú nói.

Cũng góp ý về dự án Luật này, ông Nguyễn Quyết Thắng, Trường Đại học An ninh nói:” Điều 17 về phòng chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin, bí mật Nhà nước, thông tin cá nhân trên không gian mạng. Trong này đề cập chủ yếu đến đối tượng bí mật nhà nước.

Tuy nhiên, theo thực tiễn, các đối tượng này không chỉ đánh cắp bí mật nhà nước mà cả các bí mật khác hoặc đánh cắp thông tin để đưa nước ngoài nhằm chống phá Nhà nước XHCN Việt Nam. Do vậy, bản thân tôi đề xuất, nên mở rộng phạm vi, đối tượng ở đây, không chỉ thông tin, bí mật nhà nước mà nhiều thông tin, tài liệu bí mật khác.”

Kết luận hội thảo, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Văn Thị Bạch Tuyết cho biết: trước yêu cầu của thực tiễn, khi Luật An ninh mạng được ban hành với các khung pháp lý được quy định sẽ đáp ứng như cầu quản lý của nhà nước, quyền của công dân.

Về tính khả thi đối với một số quy định áp dụng đối với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam, bà Tuyết cho hay: “Phần này cũng có nhiều ý kiến. Chúng ta là một khách hàng rất lớn nên chúng ta cũng có quyền được yêu cầu.

Vấn đề là quản như thế nào, quản lý kiểu gì để người dân vẫn được hưởng các dịch vụ như ở các nước nhưng chúng ta vẫn quản lý được để đảm bảo an ninh quốc gia. Tại một cuộc họp chuyên đề, Bộ Công an cho rằng, việc áp dụng quy định của các quốc gia đối với hoạt động của các doanh nghiệp dạng này ở các quốc gia khác. Nếu họ làm được, quản lý được thì ở đây mình cũng sẽ làm được, quản lý được như ở các quốc gia đó.”

Thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội TP sẽ tiếp thu tất cả ý kiến của các chuyên gia, đại biểu tại hội thảo lần này để phản ánh đến Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho Kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 sắp tới.