Vào chiều 13/12, Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp với Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam tổ chức Hội thảo khoa học Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã xác định, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045: “…không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Thành phố là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á…”.
Tại Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI đã đặt ra chủ đề năm 2021 của TPHCM là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM đã xác định chủ đề năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Điều này cho thấy, xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ được Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM quan tâm và chỉ đạo sâu sát.
Hội thảo khoa học Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư với mục tiêu đánh giá thực trạng xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư tại TPHCM thời gian qua, thảo luận về các giải pháp khả thi, hiệu quả xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư của Thành phố.
PGS.TS Nguyễn Tấn Phát – Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố đánh giá: Hội thảo là diễn đàn khoa học để các nhà quản lí, lãnh đạo, các nhà khoa học nghiên cứu trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn: “Trong quá trình tổ chức Hội thảo, Ban tổ chức chúng tôi nhận được 73 bài tham luận khoa học, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu của kế hoạch tổ chức, các bài viết đã tập trung vào các nội dung trọng tâm. Thứ nhất, về cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý, chính trị, và kinh nghiệm các quốc gia trong xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư. Thứ hai, phân tích đánh giá thực trạng xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư. Thứ ba, đề xuất các kiến nghị giải pháp để nâng cao hiệu của xây dựng chính quyền đô thị và mô trường đầu tư”.
Tại Hội thảo, bà Phạm Phương Thảo – Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố cũng nêu rõ: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố đã vận dụng sự hỗ trợ từ trung ương bằng những hành động cụ thể, dần phân định nhiệm vụ, quyền hạn đặc thù của chính quyền đô thị, ban hành các qui chế, qui định phân cấp phân quyền đến thành phố Thủ Đức, các quận huyện, sở ngành để chủ động hỗ trợ trong công tác theo hướng gần dân, sát dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã có thấy những hạn chế như trong thực hiện chính quyền đô thị thì còn thiếu cơ chế vận hành, gây nhiều lúng túng trong thực hiện…
Bà Phạm Phương Thảo đề xuất giải pháp để tháo gỡ khó khăn: “Gắn việc xây dựng chính quyền đô thị với chính quyền điện tử, đô thị thông minh, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để tăng cường hơn nữa tính công khai minh bạch, gắn với các vấn đề này làm tốt hơn nữa. Xác định rõ cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố cơ quan nào có chức năng quản lí, cơ quan nào có chức năng tham mưu. Trong hướng phân cấp phân quyền phải làm rõ, sở ngành nào chức năng quản lí nhà nước, trách nhiệm của mình là phải xử lí cho nhanh, theo phân công phân cấp chứ không phải dồn lên ủy ban. Một đề xuất nữa là nghiên cứu một số dịch vụ công giao cho đơn vị ngoài công lập và giao như vậy cũng sẽ giảm bớt những tiêu cực và cái này ta có quản lí chứ không phải không có quản lí”.
Ông Ma Xuân Việt – Phó trưởng Ban tổ chức Thảnh ủy kiến nghị: “Tập trung xây dựng đề xuất một số chính sách liên quan đến cơ chế khai nguồn nhân lực từ đất, các mô hình phù hợp với đô thị thông minh, chế độ chính sách đối với đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Thành phố cũng đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan, bộ ngành, nhằm hoàn thiện Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố, bảo đảm nguồn lực về kinh phí để thực hiện việc phát triển Thành phố trong thời gian tới. Tập trung giải quyết chế độ, chính sách đối với lực lượng cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền đô thị, bảo đảm hợp lý hợp tình, đảm bào xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Đồng thời phát huy được nguồn lực công chức viên chức phục vụ nhiệm vụ chung của Thành phố”.
Phát biểu kết luận, Tiến sĩ Phùng Ngọc Bảo – Vụ trưởng, trưởng cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam đánh giá cao các bài tham luận đã gửi về cho Hội thảo. Các bài tham luận đa dạng, thiết thực, mang tính lý luận và thực tiễn cao, thể hiện rõ tính đặc thù và cấp thiết của Hội thảo. Qua đó cũng đã có nhiều giải pháp mang tính khả thi. “Hội thảo đã tập trung phân tích đánh giá thực trạng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư TPHCM. Những bài tham luận này đã thể hiện tính ban hành qui chế, qui định, phân cấp phân quyền như Thành phố Thủ Đức, các sở ngành chủ động trong công tác là sát dân, gần dân. Ban hành qui chế, qui định công vụ cho các cơ quan hành chính nhà nước. Vừa xây dựng đô thị thông minh, củng cố đô thị hiện hữu, phát triển đô thị mới, đô thị vệ tinh vừa qui hoạch xây dựng và hướng đến đô thị hóa nông thôn ở các huyện ngoại thành. Nội dung các bài tham luận trong kỷ yếu rất sinh động, phong phú, chiều sâu, bám sát chủ đề TPHCM xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư. Hội thảo sẽ tiếp tục chắc lọc và biên tập lại một số bài để đăng trên ấn phẩm tạp chí cộng sản và xã hội hóa vào sách”, Tiến sĩ Phùng Ngọc Bảo đánh giá.