Ngành giao thông sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo

(VOH) - Với vai trò đi trước mở đường phát triển, ngành giao thông trong năm qua đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ngành đã tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần giảm áp lực ùn tắc giao thông, xử lý các điểm nóng ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Những bất cập, khó khăn cũng được tập trung tìm giải pháp tháo gỡ. Phóng viên VOH đã có cuộc phỏng vấn với ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM về một số kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành giao thông vận tải thành phố năm 2019, cũng như những giải pháp trọng tâm trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Ngành giao thông sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo

Vận hành Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông TPHCM. Ảnh: SGGP

*VOH: Ông đánh giá ngắn gọn về bức tranh giao thông vận tải thành phố năm qua, đâu là những điểm nhấn nổi bật mà chúng ta đã thực hiện được?

- Ông Phan Công Bằng: Một số điểm nổi bật về giao thông năm qua tại thành phố, thứ nhất là điều chỉnh dự án metro. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, thành phố đã phê duyệt điều chỉnh dự án metro số 1 Bến Thành Suối Tiên và tuyến metro số 2. Tuyến số 1 tiếp tục triển khai thi công để có thể đi vào khai thác vào quý 4 năm 2021. Thứ hai là một số công trình giao thông tiếp tục được triển khai. Vừa rồi vào tháng 12/2019, cảng Cát Lái có sự kiện tiếp nhận 5 triệu TEU, trở thành một trong 20 cảng biển lớn nhất thế giới. Các công tác điều phối giao thông ở khu vực cảng Cát Lái, cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất cũng tổ chức giải quyết tương đối tốt. Đó là một số nội dung sơ bộ nổi bật về giao thông năm 2019.

*VOH: Những khó khăn lớn nhất của ngành là gì, thưa ông?

- Ông Phan Công Bằng: Đó là việc gia tăng xe cá nhân, tăng rất cao. Năm 2019, thành phố quản lý đến 8 triệu phương tiện, trong khi dân số thành phố là khoảng 9 triệu người với ôtô là 756.000 và môtô là 7,3 triệu phương tiện. Đối với các dự án, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nhiều dự án tiến độ triển khai không theo đúng kế hoạch. Một số cơ chế chính sách về giải phóng mặt bằng cũng chưa hoàn thiện để có thể đẩy nhanh công tác này, để triển khai thi công nhiều công trình. Do vậy, một số chỉ tiêu theo kế hoạch cũng chưa đạt, như số lượng km đường tăng thêm, số lượng cầu tăng thêm thì cũng chưa đạt theo kế hoạch năm 2019.

*VOH: Một trong những tồn tại là việc giải ngân chậm các dự án. Dù có yếu tố khó khăn khách quan, nhưng mặt chủ quan thì ngành giao thông đã thật sự chủ động và quyết liệt trong khắc phục?

- Ông Phan Công Bằng: Việc khó nhất trong quá trình triển khai dự án là công tác giải phóng mặt bằng. Những năm qua, ngành giao thông phối hợp các địa phương triển khai giải phóng mặt bằng để làm sao có thể nhanh nhất bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư triển khai thi công. Tuy nhiên, rất nhiều dự án, việc giải phóng mặt bằng so với kế hoạch đều chậm, dẫn đến các bước tiếp theo về kỹ thuật, đầu tư xây dựng, các bước tiếp theo cũng bị chậm theo. Tỷ lệ giải ngân ở một số thời điểm cũng chậm theo. Đặc biệt, từ 1/5/2019, thành phố thành lập các Ban Quản lý dự án. Trong đó, có Ban Quản lý dự án các công trình giao thông đô thị, nên các dự án của Sở Giao thông đến các khu quản lý giao thông, khu quản lý đường thủy nội địa thì bàn giao sang cho Ban, dẫn đến có một thời gian tiếp nhận, bàn giao có hơi chậm. Đến cuối năm, Sở Giao thông cũng như Ban thì tập trung, nên kết quả giải ngân cũng khả quan. Đây là nỗ lực của các đơn vị liên quan trong ngành giao thông cũng như Ban Quản lý dự án.

*VOH: Đối với các điểm nóng giao thông như sân bay Tân Sơn Nhất hay cảng Cát Lái, thực tế là dù đã triển khai nhiều giải pháp, các điểm nóng vẫn chưa hạ nhiệt, thậm chí nóng hơn? Ngoài các giải pháp thường xuyên, thì chúng ta đã xây dựng, triển khai các giải pháp căn cơ ra sao?

- Ông Phan Công Bằng: Sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái các năm qua là những điểm nóng kẹt xe của ngành giao thông. Hàng năm lượng hành khách qua sân bay tăng khoảng 5%, cảng Cát Lái như đã nói là một trong 20 cảng biển lớn nhất thế giới. Năm 2019 lượng hàng hóa tăng rất cao, gần 16%, đến 70 triệu tấn so với quy hoạch 60 triệu tấn. Sân bay thì quy hoạch 25 triệu hành khách thôi, mà bây giờ là 40 triệu hành khách thực tế.

Thời gian qua, lãnh đạo thành phố và các sở ban ngành lập Tổ phản ứng nhanh chủ động xử lý, ví dụ như giờ cao điểm mùa Tết này, các lực lượng cũng tăng cường điều phối ở sân bay để làm sao có sự phân luồng hợp lý nhất. Khi mà xảy ra khả năng ùn ứ thì lực lượng cảnh sát, lực lượng thanh tra có mặt kịp thời để mà điều phối, giải tỏa ngay những điểm ùn tắc. Thực tế thì thời gian qua, tình hình giao thông các khu vực sân bay được kiểm soát tốt. Cảng Cát Lái thì có tổ công tác do Giám đốc Sở Giao thông làm Tổ trưởng, thường xuyên có giao ban với Tân Cảng để điều phối lượng hàng ra vào cảng hợp lý, không dồn ở một thời điểm nào đó dẫn đến áp lực giao thông tăng cao, nên việc kiểm soát, điều tiết giao thông tốt. Tất nhiên với lượng xe lượng hàng lớn như vậy, giao thông cũng có thời điểm khó khăn, nhưng để ùn tắc nghiêm trọng như cuối 2015, đầu 2016 thì đã được kiểm soát tốt, dù lượng hàng tăng hàng năm.

*VOH: Hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ là xu thế tất yếu. Ngành giao thông vận tải đã và đang thực hiện ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành như thế nào, và hiệu quả ra sao?

- Ông Phan Công Bằng: Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý điều hành thì những năm trước đây, đặc biệt là đầu 2019 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm điều hành giao thông đô thị giai đoạn 1, đặt tại Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn đấy, bao gồm chức năng hệ thống camera giám sát, với 713 camera kết nối về trung tâm điều hành đô thị thông minh của thành phố, rồi chia sẻ với một số đơn vị quản lý, hệ thống điều khiển giao thông linh hoạt tại 216 chốt để thu thập các dữ liệu. Cổng thông tin giao thông kết hợp với 70 bảng thông tin giao thông điện tử để cảnh báo cho người dân. Người dân xem các bảng thông tin và vào phần mềm thông tin giao thông thì biết lộ trình nào đang ùn tắc, xem trên camera thì biết nút giao nào giao thông đang phức tạp thì có thể chọn lộ trình khác để lưu thông. Về quản lý thì có các thiết bị kiểm soát tốc độ và tải trọng tự động, được lắp ở các tuyến đường, phát huy hiệu quả công tác xử lý vi phạm, an toàn giao thông. Tất nhiên là ứng dụng khoa học công nghệ thì chúng ta đã và sẽ tiếp tục làm.

*VOH: Dự báo năm 2020 và các năm tới, quá trình đô thị hóa tiếp tục tăng nhanh, gây quá tải hạ tầng giao thông. Ngành sẽ tập trung nhiệm vụ trọng tâm nào?

- Ông Phan Công Bằng: Chúng ta đều biết là lượng gia tăng dân số cơ học của thành phố rất nhanh. Lượng người dân ở các khu vực, các địa phương lân cận lên thành phố làm việc, đi về trong ngày cũng khá lớn. Tốc độ tăng xe cá nhân cũng rất cao, dẫn đến áp lực đô thị cho TPHCM cũng tăng rất cao, tạo áp lực giao thông lớn. Ngoài các giải pháp về đầu tư các công trình giao thông, đường sá, rồi metro tuyến số 1, số 2,... Sở Giao thông cũng tham mưu cho thành phố nhiều giải pháp để có thể kiểm soát tình hình giao thông tốt hơn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, và một số giải pháp khác để làm sao điều phối được hệ thống giao thông, giải quyết bài toán giao thông, giảm thiểu tối đa mức độ ùn tắc giao thông và những bất cập trong hạ tầng giao thông.

*VOH: Cảm ơn ông!

Bình luận