Chờ...

Người dân kỳ vọng vào một Lễ hội sông nước thường niên ở TPHCM

VOH - Nhằm đánh thức tiềm năng thế mạnh sông nước ở TPHCM, Ủy ban Nhân dân thành phố đã tổ chức Lễ hội sông nước diễn ra trong 03 ngày, từ 4/8 đến 6/8/2023.

Lễ hội sông nước được tổ chức tại các địa điểm: Cảng Sài Gòn - Cảng Hành khách tàu biển, công viên bến Bạch Đằng, khu vực kênh Nhiêu lộc - Thị nghè, bến Bình Đông, khu Du lịch Văn hoá Suối Tiên và các khu du lịch, điểm đến khác trên địa bàn thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.

Hàng loạt các hoạt động văn hóa – giải trí – nghệ thuật đặc sắc diễn ra bên dòng sông Sài Gòn trong khuôn khổ Lễ hội Sông Nước TPHCM lần thứ nhất năm 2023 đã ghi dấu trong lòng người dân và du khách về một đô thị sầm uất ven sông, trong đó, cảnh quan sông nước còn rất nhiều điều thú vị để người dân và du khách có thể trải nghiệm và khám phá.

Người dân kỳ vọng vào một Lễ hội sông nước thường niên ở TPHCM 1
Sân khấu biểu diễn Dòng sông kể chuyện tại  Lễ hội sông nước TPHCM

Bạn Nguyễn Phúc Hậu, sinh viên ở thành phố Thủ Đức cho biết rất ấn tượng với Lễ hội sông nước tại TPHCM, đặc biệt là các hoạt động như đi canô, chèo SUP, sử dụng các thiết bị giải trí hiện đại trên mặt nước khiến các bạn trẻ, đặc biệt là lứa tuổi gen Z như em rất thích thú.

Mọi người đều muốn được trải nghiệm những mô hình giải trí dưới nước ngay tại TPHCM. Bạn Nguyễn Phúc Hậu chia sẻ thêm: “Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất giúp người trẻ hiểu thêm về giá trị văn hóa lịch sử của thành phố gắn liền với sông Sài Gòn, cũng như những tiềm năng thế mạnh về sông nước trong phát triển kinh tế của TPHCM hôm nay.

Ông Nguyễn Ngọc Bình hơn 60 tuổi, ngụ ở quận 10 thì cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn – TPHCM nhưng lần đầu tiên ông được thưởng lãm một không gian đô thị sông nước đặc sắc như tại Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất.

Sự kiện đã đánh thức tiềm năng du lịch của TPHCM gắn với đặc thù vốn có về sông nước. Ông Bình rất mong sự kiện này được tổ chức hằng năm ở TPHCM.

“Nếu duy trì mỗi năm một lễ hội như vậy rất hay, hầu như ai cũng ủng hộ. Người dân rất thích không gian trên bến dưới thuyền với những gian hàng bánh quê…Bên cạnh là các hoạt động giải trí với màu sắc hiện đại cho thấy thành phố ngày càng phát triển. Có người thân ở quê của tôi xem các sự kiện qua tivi, hẹn năm sau sẽ lên thành phố tham gia lễ hội sông nước”, ông Bình khẳng định.

Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất, UBND TPHCM ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TPHCM giai đoạn 2023 – 2025.

Kế hoạch nhằm hướng tới mục tiêu, đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn như Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu, liên kết với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất là 10 chương trình du lịch đường thủy.

Bên cạnh đó, khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông. Ngành du lịch thành phố Phấn đấu đến năm 2030, du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của Thành phố, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của thành phố.

Phấn đấu, tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại.

Trước thông tin UBND TPHCM ban hành kế hoạch phát triển du lịch đường thủy trên tất cả các tuyến sông, nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình, phấn khởi vì trong tương lai không xa sẽ có thêm một mô hình mới nhằm thưởng lãm và trải nghiệm du lịch ở thành phố.

Với những cư dân của thành phố như ông Nguyễn Ngọc Bình, ông cho biết rất kỳ vọng vào các sản phẩm du lịch đường thủy ở thành phố.

Ông nói thêm: “Ngắm sông nước ở thành phố, trước đây tôi thường đến bến Bạch Đằng đứng trên lan can ngắm nhìn. Còn bây giờ nếu được mua vé xuống tàu đi để ngắm toàn cảnh thành phố sẽ ấn tượng hơn nhiều. Tôi nghĩ đây là hoạt động giúp du khách có những ấn tượng không quên Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Du khách đến TPHCM phải nhất định đi tour du lịch trên sông. Điều này hoàn toàn có thể làm được vì TPHCM có sông bao quanh”.

Sau khi sự kiện Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất được diễn ra, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, đơn vị khai thác tuyến buýt sông số 1 trên sông Sài Gòn chia sẻ dưới góc độ của một doanh nghiệp hoạt động trong ngành đường thủy, ông bày tỏ sự tâm đắc khi thành phố đã đưa câu chuyện sông nước thành câu chuyện đặc trưng của thành phố, qua đó thể hiện sự trân trọng giá trị hơn 300 “trên bến dưới thuyền”.

Ông Nguyễn Kim Toản cho biết giới doanh nghiệp đường sông tự hào vì được chung tay đóng góp cùng thành phố về một câu chuyện mà thành phố đang hướng đến, đó là “Mọi người dân và doanh nghiệp đều tham gia vào một chuỗi hành trình tạo ra sản phẩm có giá trị và cùng thụ hưởng những giá trị mà chuỗi hành trình đó mang lại”.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Kim Toản, thành phố muốn phát triển du lịch bền vững phải chú trọng “tính nhận biết”, nhận biết về một đô thị, một di sản sông nước của Sài Gòn – Gia Định – TPHCM, nhận biết để có sự bền vững trong tâm thức của du khách, họ đến, yêu thương và ghi nhớ và chắc chắn sẽ quay trở lại.