Hội thảo thu hút gần 100 người tham dự trong đó có lãnh đạo và nhân viên công tác xã hội đến từ các cơ sở y tế, trường đại học trên địa bàn TPHCM và các tỉnh.
Thực tế hiện nay, trước sự “quá tải” về số lượng người bệnh tạo áp lực rất lớn đối với người thầy thuốc, ngành Công tác xã hội đã được khuyến khích đưa vào lĩnh vực y tế giúp nâng cao “liều thuốc tinh thần” cần có cho người bệnh, hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc cũng như nâng cao hiệu quả điều trị.
Nhân viên công tác xã hội tham gia vào hầu hết quá trình chăm sóc và hỗ trợ người bệnh từ lúc đến bệnh viện, trong điều trị và đến khi xuất viện quay trở lại với cuộc sống thường ngày.
Nhân viên công tác xã hội Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố đang hướng dẫn người bệnh trước khu vực chờ mổ.
Chia sẻ trong buổi hội thảo, các báo cáo viên đến từ Anh, Mỹ nhận định công tác xã hội là một ngành nghề khoa học, và người làm công tác xã hội trong lĩnh vực y tế cần phải có các chứng chỉ để đảm bảo được sự an toàn cho người bệnh cũng như khả năng chuyên môn của người thực hiện các công tác này.
Có rất nhiều nghiên cứu khoa học được công nhận trên thế giới đã chỉ ra rằng cảm xúc tích cực sẽ giúp cho quá trình điều trị của người bệnh được hiệu quả hơn.
Chính vì vậy, tại các bệnh viện ở Mỹ và Anh, hệ thống chăm sóc tập trung nhóm đa ngành gồm bác sĩ, điều dưỡng, chuyên viên tư vấn tâm lý, nhân viên công tác xã hội cùng phối hợp với nhau để hỗ trợ người bệnh một cách tốt nhất.