Nhiều giá trị gia đình bị phá vỡ trong "thời đại 4.0"?

(VOH) - Trong thời đại 4.0, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình phải được tưới hằng ngày, phải có sự chia sẻ, gắn kết với nhau thường xuyên và bữa cơm gia đình rất quan trọng.

Dù cho cuộc sống có gấp gáp, bận rộn đến đâu nhưng nếu các thành viên trong gia đình cùng có ý thức vun đắp thì có thể duy trì được những bữa cơm gia đình đầm ấm, hạnh phúc.

Đây là nội dung tại buổi tọa đàm “Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức vào chiều 6/1.

công nghệ 4.0

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia khẳng định, văn hóa ứng xử trong gia đình chính là nét đẹp lâu đời, một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam: Sự hòa thuận, chung thủy, tình nghĩa, lòng yêu thương và hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu đễ với cha mẹ, anh em.

Nhiều gia đình luôn biết cách tạo dựng, giữ gìn những nét văn hóa ứng xử ấy tạo nên nề nếp gia phong. Tuy nhiên, khi công nghệ lên ngôi khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình càng xa hơn, nhiều giá trị gia đình bị phá vỡ.

Những giải pháp gắn kết mối quan hệ gia đình được đưa ra là nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; vấn đề mẹ chồng nàng dâu; vai trò của dòng họ đối với vấn đề xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững; văn hóa gia đình - di sản quý báu của truyền thống văn hóa dân tộc.

Ông Nguyễn Hữu Châu - Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Văn hóa và Xã hội chia sẻ: “Dựa vào lời căn dặn của Bác, mỗi người phải cần, kiệm, liêm, chính, tức là phải có đạo đức có liêm chính để xây dựng 7 vấn đề ăn mặc, ở, học hành, sức khỏe, việc làm, đi lại. Dù thế nào thì cha mẹ, ông bà cũng phải gương mẫu trong việc giáo dục con cái, thương yêu, đoàn kết hòa thuận với nhau, không để bạo lực xảy ra”.

Cũng tại tọa đàm, một số đại biểu cho rằng, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân, của các gia đình và của toàn xã hội; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Gia đình học tập”. 

Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để những vẻ đẹp của gia đình 4 thế hệ, 3 thế hệ vẫn được gìn giữ. Giải pháp quan trọng là “sống gần chứ không sống cùng”, nghĩa là các thế hệ sống gần nhau chứ không cùng nhau.

Trước kia, những người ra thành phố lập nghiệp, thành đạt thường đưa bố mẹ ra ở cùng, dễ rạn nứt tình cảm. Nay, họ cũng đưa bố mẹ ra nhưng không ở cùng mà sống gần bên cạnh. Điều này giúp ông bà, cháu chắt gần gũi nhau, có thể chăm sóc nhau nên hầu như không nảy sinh mâu thuẫn.

Ông Lê Ngọc Hóa – Bí thư Đảng ủy Khu phố 11 (P.17, Q.Gò Vấp) nêu: “Con cái nếu có điều kiện thì sống riêng, làm gương cho các con của mình, luôn thăm viếng, tạo điều kiện chăm lo ông bà. Nếu ở gần, ở trong một xóm hay con phố thì ông bà qua lại, chăm sóc cháu. Làm như thế cũng là nghĩa cử đẹp, là hành động trực tiếp răn dạy con cháu của mình biết tôn trọng người lớn…”

Theo Thạc sĩ Trần Lâm Kim Phượng, Giảng viên Khoa Truyền thông - Trường Đại học Văn hóa TPHCM, rất nhiều phụ nữ tâm sự rằng, chồng của họ thường xuyên sử dụng điện thoại cả ngày lẫn đêm, giờ ăn cơm thì chăm chú xem ti vi, không quan tâm đến vợ con, ít hoặc không chia sẻ việc nhà. Vợ hỏi thì trả lời hoặc không tập trung với những lời nói từ vợ, lâu dần chính những người vợ cảm thấy chai sần, họ cũng chẳng hỏi nữa, chẳng tâm sự nữa. Từ đó, tình cảm vợ chồng cũng ít mặn mà hơn, ít chia sẻ hơn, dễ dàng phai nhạt theo thời gian.

Theo Thạc sĩ Phượng, trong thời công nghệ 4.0, chúng ta có thể làm nhiều thứ trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, nhưng gìn giữ hạnh phúc gia đình không thể dùng công nghệ. Sau một ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi do những áp lực từ công việc, hãy dành thời gian cho gia đình để chính con cái cảm nhận được gia đình là nơi luôn lắng nghe chia sẻ, đủ tôn trọng và tràn ngập tình yêu thương như chính những tiêu chí cần ứng xử trong một gia đình.

Tô Thị Bích Châu

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu ghi nhận và bày tỏ sự trân trọng với những ý kiến đóng góp, trao đổi của các đại biểu; khẳng định sẽ ghi nhận tất cả ý kiến cũng như các bài tham luận của các đơn vị, cá nhân để xây dựng được bộ tiêu chí gia đình hạnh phúc phù hợp với thực tiễn gia đình tại TPHCM.

Bà Châu đồng thời đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố quan tâm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong đó chỉ đạo các Sở, ban ngành Thành phố sớm tham mưu bộ tiêu chí “xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững”; triển khai công tác phòng chống các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình; đấu tranh chống lối sống thực dụng, vị kỷ, đồi trụy; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; quan tâm quy hoạch xây dựng khu vui chơi, giải trí và tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí cho các gia đình; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình.

“Để xây dựng bộ tiêu chí gia đình hạnh phúc cốt lõi vẫn là 2 chữ hạnh phúc. Tuy nhiên, để xây dựng gia đình hạnh phúc, toàn xã hội và từng thành viên phải tham gia để xây dựng bộ tiêu chí này chứ không riêng gì phụ nữ. Một câu nói hết sức truyền thống là đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm và trên cơ sở đó chúng ta sẽ còn nhiều tiêu chí khác để tham gia trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc và bền vững” - bà Châu nhận định.

Hội Chữ thập đỏ TPHCM tặng chi phí phẫu thuật và điều trị bệnh cho bệnh nhi nghèo - Hội Chữ thập đỏ TPHCM vừa trao tặng chi phí phẫu thuật và điều trị bệnh cho bệnh nhi nghèo có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM.

Vụ dâm ô trẻ em ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM: Giáng chức giám đốc trung tâm - Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM đã kỷ luật nhiều cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM. Trong đó, Giám đốc Trung tâm Võ Thị Thanh Kim bị giáng chức xuống làm Phó Giám đốc trung ...

Bình luận