Nhiều quy định mới liên quan đến xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp

(VOH) - Cục Hải quan TPHCM vừa thông tin đến các doanh nghiệp một số thông tin mới liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Tại Hội nghị “Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố” lần thứ 230 với chủ đề: Đối thoại với Lãnh đạo Cục Hải quan Thành phố, bên cạnh việc trả lời vướng mắc của các doanh nghiệp, Cục Hải quan đã cập nhật thêm một số thông tin mới liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Điển hình như Nghị định số 129 ngày 30/12/2022 của Chính phủ về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP).

Đây là văn bản đầu tiên nội luật hóa các cam kết thuế quan tại Hiệp định. Theo đó, quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định RCEP giai đoạn 2022-2027 và điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định. Ban hành kèm theo Nghị định là 6 Phụ lục về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cho các nước thành viên.

Đọc thêm: Xuất nhập khẩu năm 2022 cán đích sớm, 35 mặt hàng "xuất ngoại" trên 1 tỷ USD

Tương tự theo quy định tại các nghị định khác, để hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu từ RCEP, hàng hóa cần đáp ứng các quy định sau: thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định RCEP; được nhập khẩu từ các nước thành viên của Hiệp định RCEP; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP (bao gồm cả quy định về vận chuyển trực tiếp), có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Hiệp định RCEP và quy định hiện hành của pháp luật.

xuất nhập khẩu
Đại diện doanh nghiệp nêu ra một số vướng mắc cần tháo gỡ trong hoạt động xuất nhập khẩu - Ảnh: Huệ Như

Nghị định cho phép áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước trong trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện tương tự như hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên Hiệp định RCEP vào Việt Nam.

Ngoài ra, Nghị định hướng dẫn cụ thể việc áp dụng thuế suất trong trường hợp hàng hóa có mức thuế suất RCEP khác nhau giữa các nước thành viên. Nghị định cũng quy định điều khoản hiệu lực trở về trước phù hợp với quy định để đảm bảo việc thực hiện cam kết của Việt Nam từ ngày 1/1/2022.

Về Nghị định số 07 ngày 3/3/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98 về quản lý trang thiết bị y tế, doanh nghiệp cần lưu ý, một số nội dung cơ bản.

Cụ thể, trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Đã có số lưu hành, số đăng ký lưu hành, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu theo các quy định về quản lý trang thiết bị y tế, trừ các trường hợp sau đây:

  • Bị thanh lý theo quy định pháp luật;
  • Hết hạn sử dụng của sản phẩm;
  • Không thể khắc phục được yếu tố lỗi gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 34 Nghị định này;
  • Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền không cho phép sử dụng.

- Có nhãn với đầy đủ các thông tin theo quy định hiện hành của pháp luật về nhãn hàng hóa;

- Có hướng dẫn sử dụng của trang thiết bị y tế bằng tiếng Việt;

- Có thông tin về cơ sở bảo hành, điều kiện và thời gian bảo hành; trừ trường hợp trang thiết bị y tế sử dụng một lần theo quy định của chủ sở hữu trang thiết bị y tế hoặc có tài liệu chứng minh không có chế độ bảo hành.

Nội dung niêm yết giá trang thiết bị y tế được quy định như sau:

- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế thực hiện niêm yết giá trang thiết bị y tế tại các địa điểm theo quy định.

- Trường hợp niêm yết giá trang thiết bị y tế trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế phải có đầy đủ các thông tin tối thiểu sau:

  • Tên, chủng loại trang thiết bị y tế.
  • Hãng, nước sản xuất; hãng, nước chủ sở hữu.
  • Đơn vị tính.
  • Cấu hình, tính năng kỹ thuật của trang thiết bị y tế.
  • Giá niêm yết của trang thiết bị y tế.