Những ngày Pháp-Việt về Sáng tạo đưa người xem đến gần hơn với những sáng tạo của nước Pháp

(VOH) - Sáng nay (13/11), sự kiện Những ngày Pháp-Việt về Sáng tạo đã được tổ chức tại TPHCM. Sự kiện diễn ra trong hai ngày 13 và 14/11/2020 với nhiều hoạt động phong phú.

Những ngày Pháp-Việt về Sáng tạo năm 2020 gồm hai ngày chuyên đề hấp dẫn là Ngày Phát triển bền vững (13/11) và Ngày Hình ảnh kỹ thuật số (14/11) với sự tham gia của các chuyên gia người Pháp nổi tiếng đang làm việc tại Việt Nam cùng nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam.

Chuyên đề Ngày Phát triển bền vững diễn ra sáng 13/11 tại IDECAF (28 Lê Thánh Tôn, Q.1) là cuộc gặp gỡ giữa các nhà nghiên cứu với học sinh trung học phổ thông song ngữ tại TPHCM.

Theo đó, các em học sinh đã có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các nhà nghiên cứu Pháp-Việt đến từ Viện nghiên cứu phát triển (IRD), Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nghiên cứu Nông nghiệp vì sự Phát triển (CIRAD) và các cơ quan đối tác Việt Nam, để khám phá những đề tài nghiên cứu rất thiết thực của họ tại Việt Nam như Đồng nát - mạng lưới thu gom và tái chế phi chính thức ở Việt Nam; Vi nhựa trong nước sông ngòi: hữu hình hay vô hình?; Mô hình hóa và mô phỏng các hệ thống phức dựa trên tác tử; Hiểu rõ và dự đoán tốt hơn tác động của giun đất đến quá trình di chuyển nước trong đất ở Việt Nam; Tăng cường chăn nuôi bò thịt trong hệ thống chăn nuôi vùng Tây-Bắc Việt Nam.

Những ngày Pháp-Việt về Sáng tạo, Nicolas Bottinelli
Nhà lý sinh học Nicolas Bottinelli giới thiệu tới các em học sinh về vai trò của giun đất đến quá trình di chuyển nước trong đất. (Ảnh: Lan Hương)

Trong khuôn khổ sự kiện, chiều nay, một chương trình thảo luận bàn tròn giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp cũng được tổ chức với sự góp mặt của các nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu phát triển (IRD), Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nghiên cứu Nông nghiệp vì sự Phát triển (CIRAD), các công ty Pháp có trụ sở tại Việt Nam như Les Vergers du Mekong, Veolia, Annam và Marou Chocolate.

Cam kết và sẵn sàng ứng phó với các thách thức phát triển tại địa phương, các công ty này sẽ chia sẻ kinh nghiệm của họ tại Việt Nam và những đổi mới mà họ đang phát triển để đáp ứng các vấn đề xã hội và môi trường mà họ gặp phải.

Đây là năm thứ ba liên tiếp, sự kiện Những ngày Pháp-Việt về sáng tạo dành riêng một ngày để bàn luận về vấn đề phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, một trong những thách thức lớn nhất của thời đại.

Các nhà nghiên cứu Pháp tại Việt Nam cùng với các đối tác Việt Nam có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ về những vấn đề này. Họ đã được huy động để nghiên cứu về nhiều vấn đề trọng điểm của Việt Nam và tìm kiếm giải pháp đảm bảo khả năng ứng phó với những thay đổi toàn cầu.

 Nguyễn Tiến Tâm, đại học kiến trúc Hà Nội

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Tâm - Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (thứ hai từ trái qua) đang giới thiệu tới Ngài Vincent Floreani - Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM và các em học sinh về nghiên cứu “Đồng nát - mạng lưới thu gom và tái chế phi chính thức ở Việt Nam" (Ảnh: Lan Hương)

* Ngày mai (14/11), cũng tại IDECAF, Ngày Hình ảnh Kỹ thuật số sẽ diễn ra với các nội dung kỹ thuật số độc đáo do Pháp sản xuất. Đó là những tác phẩm thực tế ảo và tăng cường, phim hoạt hình đủ mọi thể loại, đáp ứng mọi sở thích, mọi lứa tuổi.

Chương trình sẽ có nhiều nội dung sáng tạo như Triển lãm thực tế tăng cường Uramado; Phim & VR “Chuyến du hành của Thomas Pesquet”; Không gian thực tế ảo VR; chương trình chiếu phim PANAMANIM 2020

Đáng chú ý, Triển lãm thực tế tăng cường Uramado dành riêng cho các em nhỏ. Tham gia chương trình này, các em nhỏ sẽ đi tìm những chú Gấu mèo đầy màu sắc được trưng bày một cách lộ liễu hay kín đáo tại nhiều khu vực khác nhau ở IDECAF.

Với một ứng dụng tương tác, các em nhỏ sẽ đi săn lùng những chú Gấu mèo và bất ngờ khi phát hiện chúng cử động, ngạc nhiên và chất vấn người xem. Tùy thuộc vào các câu trả lời, cuối chuyến đi săn, các em sẽ biết được vật tổ của mình…

Tại Phim & VR “Chuyến du hành của Thomas Pesquet”, người xem sẽ được trải nghiệm các cuộc phiêu lưu trên vũ trụ của phi hành gia nổi tiếng người Pháp Thomas Pesquet qua hai bộ phim tài liệu: một bộ phim dài và một bộ phim ngắn thực tế ảo 360°, lần đầu tiên được thực hiện trong không gian.

Thomas Pesquet (sinh năm 1978) là một phi hành gia thuộc Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA). Anh là một trong những người trẻ nhất được bay lên vũ trụ. Trong nhiệm vụ Proxima, anh đã dành 196 ngày, tức 6 tháng, trên Trạm Vũ trụ Quốc tế để thực hiện 60 cuộc thí nghiệm liên quan đến lực hấp dẫn, cũng như các hoạt động bảo trì trên tiền đồn quỹ đạo. Ngoài ra, Thomas cũng đã thực hiện hai chuyến đi bộ ngoài không gian.

Với nội dung giao lưu « Thực tế tăng cường là gì? », người tham dự sẽ được giao lưu với hai chuyên gia người Pháp Fabien Jacob và Roméo Dimier. Họ sẽ giới thiệu về tác phẩm, giao lưu và giải đáp mọi thắc mắc để giúp người xem hiểu rõ hơn về thực tế tăng cường.

Thực tế tăng cường (AR) là công nghệ cho phép tích hợp các yếu tố 3D ảo vào môi trường vật lý trong thời gian thực. Nguyên tắc là kết hợp yếu tố ảo và thực để tạo ảo giác tích hợp hoàn hảo cho người dùng nhằm phục vụ cho lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật hay marketing, y học hay du lịch, thực tế tăng cường là một phần trong cuộc sống của chúng ta ngày nay và có rất nhiều ứng dụng…

Năm nay là năm thứ ba Tổng lãnh sự quán Pháp tại TPHCM và Viện Pháp tại Việt Nam (IFV), phối hợp cùng Phòng Thương mại và công nghiệp Pháp (CCIFV), tổ chức Những ngày Pháp-Việt về Sáng tạo.

Những ngày Pháp-Việt về Sáng tạo được tổ chức trong 2 năm qua đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng Việt Nam đối với sự sáng tạo đổi mới của nước Pháp trong các lĩnh vực then chốt của tương lai như: y tế, nghiên cứu khoa học, công nghệ và kỹ thuật số.