Nỗi lo bữa ăn bán trú và hàng rong trước cổng trường!

(VOH) - Sáng 31/10, Chương trình Đối thoại chính quyền Thành phố tháng 10 với chủ đề “Đảm bảo an toàn thực phẩm - chung tay vì sức khỏe cộng đồng” đã diễn ra.

Chương trình do Hội đồng nhân dân Thành phố phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) thực hiện.

Nhiều vấn đề nóng, những băn khoăn bất an của người dân về an toàn thực phẩm đã được người dân Thành phố trực tiếp đặt ra với các ban ngành chức năng. Như vấn đề đặt ra của chị Ngụy Ánh Ngân, ngụ Quận 10 như sau: "Là người nội trợ tôi rất băn khoăn khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình, ví dụ như mua cá sợ ướp hàn the, thịt sợ chất tăng trọng, rau cải sợ bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.. Vậy thì quản lý các chất này như thế nào để bữa ăn gia đình an toàn hơn. Một vấn đề khác, chất lượng bữa ăn bán trú của các bé đi học được quản lý thế nào vì vừa qua tôi được biết cũng có vụ ngộ độc bánh su tại 1 trường học tại quận 2".

Trả lời nỗi lo của thính giả Ánh Ngân về vụ ngộ độc vừa qua tại Quận 2, ông Trương Thanh Trung, Trưởng phòng Y tế Quận 2 nhìn nhận vào thẳng vấn đề: "Ban an toàn thực phẩm cũng đã có cảnh báo, từ 80 đến 90% các trường ngộ độc thực phẩm tại Thành phố là từ thức ăn xế như sữa, yaourt, chè… Làm sao để bữa ăn nóng, đảm bảo an toàn. Chúng tôi đã cảnh báo các trường học từ cảnh báo của Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Quận 2 đã tích cực làm việc này, các hiệu trưởng trường trên địa bàn được tập huấn lại, giám sát chặt bữa ăn. Chúng tôi cũng đang xây dựng quy chế phụ huynh cùng nhà trường giám sát bữa ăn tập thể này".

Cùng nỗi lo với chị Ngân, thính giả Nguyễn Kim Lân, ngụ xã Tân Nhựt huyện Bình Chánh lo lắng  hàng rong trước cổng trường: "Tôi nhìn thấy trước cổng trường nhiều người buôn bán thức ăn đường phố như súp, cá viên chiên, xúc xích, trà sữa trân chân. Tôi rất lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm của các thức ăn này. Tôi xin hỏi cơ quan nào quản lý vấn đề này, kiểm tra, giám sát. Khi ngộ độc ngoài việc chúng tôi đưa con em đến bệnh viện thì chúng tôi báo cáo cho ai, ai xử lý".

Các vị khách mời tham gia buổi trực tiếp chương trình Đối thoại cùng chính quyền Thành phố - Tháng 10/2020 tại phòng thu VOH

Băn khoăn của ông Kim Lân cũng là một trong nhiều nội dung mà vừa qua Ban văn hóa xã hội Hội đồng Nhân dân Thành phố đã giám sát chuyên đề. Ông Nguyễn Văn Đạt - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân Thành phố phát biểu: "Ban Văn hóa xã hội Hội đồng Nhân dân có kế hoạch giám sát Nghị quyết 04 của Hội đồng nhân dân Thành phố về kết quả thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm ở một số địa phương. Chúng tôi đi xuống tận phường, xã, chợ đầu mối. Trong đó chúng tôi đặt vấn đề này với địa phương, trách nhiệm địa phương về vấn đề này. Nếu các cháu mua ăn xảy ra ngộ độc thì ai chịu trách nhiệm. Bên ngoài cổng trường thì chính quyền địa phương chịu trách nhiệm, còn trong nhà trường thì nhà trường chịu trách nhiệm. Qua giám sát chúng tôi cũng đề nghị các quận, huyện phường xã cố gắng phối hợp ngành y tế lực lượng phòng y tế, trạm y tế để kiểm tra xử lý để thời gian tới thực hiện tốt công việc này, nếu vi phạm thì cương quyết xử lý".

Với chủ đề  “Đảm bảo an toàn thực phẩm - chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố chia sẻ giải pháp bền vững trong công tác quản lý an toàn thực phẩm là phải tiến hành song song giữa 2 công việc, vừa chống thực phẩm bẩn, nhưng chúng ta phải xây thực phẩm sạch, có như vậy thì mới hướng tới mục tiêu bền vững. Sau cùng, bà Phong Lan gửi thông điệp chia sẻ trước nỗi lo của các bà nội trợ về mê hồn trận thực phẩm bẩn hiện nay: "Làm sao chọn thực phẩm an toàn cho bếp nhà mình là nỗi lo thường trực mỗi ngày, tất cả hệ thống siêu thị của chúng ta đều phải có test nhanh kiểm tra, nếu có vấn đề trả ngay cho nhà cung cấp. Nên nhà cung cấp cũng phải làm sao để hàng đảm bảo an toàn. Ở đây chúng tôi khuyến cáo không nên mua hàng trôi nổi, ở những nơi không có nguồn gốc xuất xứ, không có gì bảo đảm vì kiểm tra đối tượng này rất khó. Và những loại này không có sự hợp tác, không trải qua quá trình thẩm định. Chúng tôi đang nỗ lực càng lúc càng kiểm soát hơn nữa từ phân phối, đến chợ truyền thống. Nếu lo lắng mà quay lưng với chợ truyền thống cũng không được. Về lâu về dài nếu không phải do khâu phân phối mà từ nguồn thì sao? Chúng tôi xây dựng chuỗi thực phẩm sạch an toàn từ trang trại đến bàn ăn. Phối hợp với các tỉnh, kiểm soát từ đồng ruộng với chiến lược phát triển bền vững. Các bà nội trợ nên cố gắng mua hàng ở những nơi có uy tín, chất lượng và chúng tôi cũng đang ra sức nỗ lực làm sao cho giá cả cũng phải hợp lý".

Bình luận