Nước ngầm – Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình

(VOH) - Theo số liệu quan trắc từ 2015 đến nay, mực nước ngầm đã tăng tại khu vực TPHCM. Bên cạnh đó, sản lượng nước sạch cung cấp cho người dân cũng tăng lên.

Nhân ngày Nước Thế giới 22/3/2022 với chủ đề “Nước ngầm – Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”, sáng nay 17/3/2022 Báo Phụ nữ TP.HCM phối hợp với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) tổ chức tọa Đàm Bảo vệ nước ngầm, đừng để quá muộn”.

Bà Lý Việt Trung, Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM tặng hoa cho các đại biểu tham dự tọa đàm. 
Bà Lý Việt Trung, Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM tặng hoa cho các đại biểu tham dự tọa đàm. 

Hiện nay, rất nhiều người dân trên địa bàn TP.HCM vẫn sử dụng nước ngầm mà không quan tâm đến chất lượng, không lấy mẫu xét nghiệm. Chỉ khi có những dấu hiệu bất thường về mùi vị, màu sắc thì người dùng mới lo lắng, tìm hiểu nguyên nhân.

Nói về thực trạng chất lượng nước ngầm trên địa bàn TP hiện nay, bác sĩ Ngô Cao Lẫm - Trưởng khoa Sức Khỏe Môi Trường - TT Kiểm Soát Bệnh Tật TPHCM cho biết: "Hiện nay thành phố đã có tiêu chuẩn chung cho cả nguồn nước sinh hoạt và ăn uống. 100% người dân được tiếp cận nước sạch.

Thế nhưng, nhiều hộ gia đình vẫn dùng nước giếng khoan. Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy chỉ có 3/160 mẫu nước giếng đạt chỉ tiêu hóa lý, vi sinh...theo quy định. Việc sử dụng nước giếng không đảm bảo chất lượng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lâu dài về sức khỏe."

Các đại biểu tham gia tọa đàm đã chỉ ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý việc khai thác nước ngầm như: Không có số liệu thống kê chính xác số lượng người dân sử dụng nước giếng khoan, khai thác không phép hoặc vượt quá số lượng cho phép... Ngoài những nguy cơ về sức khỏe, việc khai thác quá mức nước ngầm còn dẫn đến các hệ lụy như sụt lún đất, ô nhiễm nguồn nước....

Ts Hà Quang Khải - Khoa Môi Trường và Tài Nguyên -  ĐH Bách Khoa TP.HCM lý giải: "Mực nước ngầm của TPHCM đang suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt là tại các khu vực như Q.Tân Bình, H.Bình Chánh... Tình trạng sụt lún mặt đất có nguyên nhân chính là khai thác nước ngầm tại các khu vực có nền đất yếu. Ngoài ra, khi mực nước ngầm quá thấp sẽ gây ra mất cân bằng dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn. Khai thác nước ngầm quá mức cùng với các hoạt động khác của con người sẽ dẫn đến ô nhiễm nguồn nước.

Hiện nay có 3 hình thức khai thác nước ngầm: từ người dân, doanh nghiệp, đơn vị cấp nước. Về chất lượng nguồn nước ngầm hiện nay cho thấy tình trạng tăng amoni NO3 ở Củ Chi, Hóc Môn; độ Ph thấp dẫn đến giải phóng kim loại nặng vào nước ở Q.12, Q.Tân Bình, H.Củ Chi... Hàm lượng Clo cao, dẫn đến xâm nhập mặn ở H.Nhà Bè, H.Bình Chánh..."

Tại tọa đàm, bà Phạm Thị Vân Anh – Phó Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM đã nêu ra nhiều câu hỏi xoay quanh các vấn đề: Việc cấp phép khai thác nước ngầm hiện nay ra sao? Kinh nghiệm quản lý khai thác nước ngầm ở các quốc gia khác? Vì sao đã có nước sạch mà người dân vẫn dùng nước giếng? Giải pháp trám giếng?.....

Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng giám đốc, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV cho biết, Sawaco cung cấp gần 2tr mét khối nước mỗi ngày. Trong đó nước ngầm chiếm 3%.  Từ năm 2017 Sawaco đã hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch cho 100% hộ dân qua nhiều giải pháp như phát triển mạng lưới, gắn đồng hồ, bồn chứa nước tập trung... Dù vậy, hiện nhiều nơi người dân vẫn sử dụng nước ngầm (chiếm gần 8% tổng số khách hàng) dù được cấp nước sạch.

Sawaco đã triển khai nhiều giải pháp, đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 hạn chế tối đa khai thác nước ngầm, đảm bảo cấp nước an toàn liên tục, nâng tổng công suất hệ thống cấp nước từ 2,4 triệu m3/ngày đêm lên 2,9 triệu m3/ngày đêm, tỉ lệ thất thoát nước giảm xuống còn 17,5% theo Quyết định 1242/QĐ-UBND ngày 30 tháng 03 năm 2018 và Quyết định 2422/QĐ-UBND ngày 05 tháng 07 năm 2021 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo số liệu quan trắc từ 2015 đến nay, mực nước ngầm đã tăng tại khu vực TP.HCM. Bên cạnh đó sản lượng nước sạch cung cấp cho người dân cũng tăng lên. Đó phần nào là những tín hiệu vui cho thấy việc khai thác nước ngầm có giảm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong quản lý.

Ông Huỳnh Thanh Nhã - Trưởng phòng Tài Nguyên Nước và Khoáng Sản - Sở Tài Nguyên & Môi trường thông tin: công tác kiểm soát khai thác nước ngầm hiện nay do các địa phương trực tiếp quản lý. Sở Tài Nguyên & Môi Trường không trực tiếp quản lý. Sở đã đề xuất rút ngắn thời gian được phép khai thác nước ngầm tiến tới rút các giấy phép đã hết hạn. Với các hộ dân thì công tác tuyên truyền là chính.

Hiện nay nhu cầu của người dân rất đa dạng. Ngoài sinh hoạt, người dân còn dùng nước để tưới tiêu, chăn nuôi.... Do đó cần phối hợp với phường, xã, địa phương để tăng cường tuyên truyền.

Sở Tài Nguyên & Môi Trường TPHCM cũng đã đề xuất giải pháp hỗ trợ người dân trám lấp giếng với tổng kinh phí 100 tỷ. Bởi nếu trám lấp không đúng kỹ thuật sẽ làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Do ngân sách đang có khó khăn nên UBND TP.HCM chưa chấp thuận đề xuất này.

Tại tọa đàm,ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn Hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân TPHCM cho rằng mình những vấn đề mà các ngành nêu ra rất cần được gửi đến lãnh đạo thành phố để có những quyết sách kịp thời.

Ngành Tài Nguyên Môi Trường cần có giải pháp cho việc chậm thực hiện đề án hỗ trợ chi phí trám lấp giếng khoan; Lập danh mục và bản đồ phân khu vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn TPHCM; Tuyên truyền đồng bộ cũng như xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm; Nghiêm cấm sử dụng nước giếng khoan tại những khu vực ô nhiễm.

Chỉ khi có sự vào cuộc nhịp nhàng của các sở ngành liên quan thì mới có thể giải quyết được thực trạng khai thác nước ngầm tràn lan.