Phát huy thế mạnh cải thiện môi trường đầu tư tại các khu chế xuất – khu công nghiệp thành phố

(VOH) - Bên cạnh nội dung “xây dựng chính quyền đô thị”, việc “cải thiện môi trường đầu tư” cũng được thành phố xác định là chủ đề của năm 2021.

Thành phố đã có những quyết sách tạo điều kiện thuận lợi, ổn định, an toàn, lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế. Trong đó, các khu chế xuất – khu công nghiệp thành phố là trọng điểm để doanh nghiệp đầu tư kinh doanh sản xuất; góp phần hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, là động lực thúc đẩy công nghiệp hóa hiện đại hóa của thành phố.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, các khu chế xuất – khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh thu hút đầu tư ghi nhận tăng cao cả về đầu tư trong nước và nước ngoài. Để tìm hiểu thêm Ban quản lý nơi đây đã và đang có những chủ trương, chương trình hành động nào cải thiện môi trường đầu tư mời gọi doanh nghiệp, phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH) có cuộc phỏng vấn ông Đào Xuân Đức, Phó Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.

Phát huy thế mạnh cải thiện môi trường đầu tư tại các khu chế xuất – khu công nghiệp thành phố 1
Ông Đào Xuân Đức, Phó Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.

*VOH: Chào ông, xin ông cho biết thêm về kết quả hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh những tháng đầu năm 2021?

Ông Đào Xuân Đức: Đối với hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố trong quý 1/2021 thì, thứ nhất là về vốn đầu tư, kể cả thu hút mới và điều chỉnh có tăng, đạt 40% kế hoạch, tăng 66% so với cùng kỳ. Thứ hai là, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dần đi vào ổn định. Những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do dịch bệnh covid 19 từ năm 2020, đến nay cũng đã phục hồi và đi vào sản xuất bình thường. Số lao động trở lại làm việc đạt 90%. Một số lao động sau Tết có những chọn lựa khác như: do hoàn cảnh gia đình, do điều kiện riêng nên có thể chọn nơi khác để làm việc hoặc là ở tại quê nhà để làm việc. Về tình hình xuất khẩu, trong 2 tháng đầu năm đạt 1,1 tỷ đô la Mỹ và kim ngạch nhập khẩu đạt 0,8 tỷ đô la Mỹ.

*VOH: Trên cơ sở kết quả đạt được như thế Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố xác định những nhiệm vụ trọng tâm nào để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất?

Ông Đào Xuân Đức: Chúng tôi thấy rằng, trong quý 2/2021, sẽ tiếp tục tập trung thu hút đầu tư, nhất là tập trung vào 4 ngành trọng điểm chỉ lực theo chỉ đạo của UBND thành phố. Thứ hai là, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tổ chức những hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, về những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp để kịp thời giải quyết những vấn đề đó. Thứ ba là, chúng tôi tổ chức những buổi tập huấn, tuyên truyền về những quy định mới của pháp luật, như là Bộ Luật Lao động mới, Luật Đầu tư mới… để doanh nghiệp nắm và thực hiện tốt. Và tiếp tục vẫn phải phối hợp để thực hiện phòng chống dịch, đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ kép mà Thủ tướng cũng như UBND thành phố đã chỉ đạo.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã kiến nghị với UBND thành phố về việc giải quyết vấn đề về quỹ đất dành cho công nghiệp của thành phố. Và trong năm 2021 này sẽ có những quỹ đất mới để thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư vào 4 ngành trọng điểm, để khuyến khích doanh nghiệp có được mặt bằng sản xuất tốt hơn.

*VOH: Thưa ông, theo định hướng của thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021 sẽ là năm cải thiện môi trường đầu tư. Như vậy, Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố có những bước đi như thế nào để thực hiện chủ trương của thành phố?

Ông Đào Xuân Đức: Việc cải thiện môi trường đầu tư thì chúng tôi cũng đã làm và trong năm 2021, với sự chỉ đạo của UBND thành phố, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa, thứ nhất là vấn đề cải cách hành chính. Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị nâng 20 thủ tục hành chính từ cấp độ 2 lên cấp độ 4 và sẽ thực hiện trong giữa năm nay; khi đó, doanh nghiệp đang ở nhà hay ở công ty vẫn có thể thực hiện các thủ tục này mà không cần đến ban quản lý để thực hiện; chúng tôi sẽ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp về những khó khăn vướn mắc. Đối thoại này sẽ có sự chủ trì của lãnh đạo UBND thành phố cũng như lãnh đạo các sở, ngành, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với một số ngành để tổ chức đối thoại riêng theo chuyên đề, ví dụ như ngành Hải quan, Cục Thuế thành phố… giúp cho các doanh nghiệp có những khó khăn trong những việc cụ thể như vậy có ý kiến, để các ngành hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố sẽ ban hành một bộ tiêu chí, trong đó, quy định những ngành nào thành phố cần thu hút vào các khu chế xuất, khu công nghiệp, chẳng hạn như 4 ngành trọng điểm… để khuyến khích. Còn đối với những ngành khác thì có thể xem xét về công nghiệ, về những yếu tố liên quan để chấp nhận, không chấp nhận hay giới thiệu đến các tỉnh bạn, các khu công nghiệp khác để họ có thể chọn lựa.

Thứ hai là chúng tôi cũng hướng đến hiệu suất sử dụng đất tại thành phố Hồ Chí Minh. Vừa qua, hiệu số sử dụng đất trong vốn đầu tư/1ha của thành phố khoảng là 5,6 triệu đô la; nhưng sắp tới đây có thể phải nâng hiệu suất này lên, và doanh nghiệp nào, dự án nào có thể đáp ứng được hiệu suất này thì chúng ta sẽ cho đầu tư vào thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các ngành khác thì chúng ta sẽ xem xét, tính toán về nhu cầu của nhà đầu tư cũng như nhu cầu của thành phố để chúng ta chấp thuận hoặc là giới thiệu đến những địa điểm khác phú hợp hơn đối với những ngành nghề đó.  

*VOH: Ông có thể chia sẻ thêm về bài toán giải quyết nguồn quỹ đất, quan trọng hơn là nguồn quỹ đất sạch để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp vào các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố là như thế nào, thưa ông?

Ông Đào Xuân Đức: Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt thì, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 23 khu công nghiệp với diện tích đất là gần 6.000ha và hiện nay, chúng ta đã sử dụng được gần 70% diện tích này. Như vậy, còn một nguồn quỹ đất cũng tương đối nhiều, nhưng do vướng các vấn đề vế pháp lý, do vướn về đền bù giải tỏa nên chưa sử dụng được hết nguồn quỹ đất này. Và sắp tới, thành phố cũng bổ sung thêm một khu công nghiệp mới với diện tích khoảng 380 ha, để tạo quỹ đất, thu hút những ngành trọng điểm của thành phố cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo. Và trong nghị quyết của Chính phủ trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp hoặc là đất khác, thì hiện nay thành phố cũng đang xem xét lại với quỹ đất gần 2.000 ha để dành cho công nghiệp. Thì chúng tôi cũng hy vọng rằng trong năm nay sẽ có được quỹ đất tương đối khá để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh.

*VOH: Vâng, xin cảm ơn ông về những thông tin vừa rồi.