Theo Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan, vướng mắc lớn nhất hiện nay của TPHCM là chưa sửa được quyết định 33 do TP đang tiếp tục làm rõ diện tích tối thiểu để tách thửa. Trước đây, theo quy định dưới 2.000m vuông mới được tách thửa, từ đây đã nảy sinh nhiều sai phạm, cò đất lợi dụng phân lô, bán nền để trục lợi, không làm hạ tầng đường sá, điện, nước đúng với giá trị mà người dân mua lẽ ra được thụ hưởng.
Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan chủ trì họp báo.
Theo ông Hoan sở dĩ TP đưa ra diện tích tối thiểu tách thửa là vì mục tiêu phát triển TP không theo kiểu vết dầu loang. Tức là phát triển đô thị bằng các dự án cụ thể, mà dự án nhỏ nhất là 2000m vuông. Hiện nay trong quá trình phát triển các dự án đô thị từ 10 hecta trở lên chứ không chỉ phân lô lẻ để bán. “TP muốn kiềm chế để phát triển các vùng đô thị của chúng ta theo hướng có quy hoạch, kế hoạch, có hạ tầng cơ sở, người dân về có cuộc sống tốt hơn”, ông Hoan nói trong buổi họp báo ngày 30/10.
Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP – Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm, mục tiêu của thành phố đặt ra trong quyết định 33 là hoàn toàn phù hợp để giải quyết nhu cầu tách thửa và nhu cầu ở có thật của người dân.
Đến thời điểm này, UBND TP chưa ban hành sửa quyết định 33, do vậy, quyết định này vẫn còn hiệu lực. Bất kỳ cơ quan nào làm sai quyết định 33 sẽ bị xử lý.
Theo ông Thắng, thời điểm cuối năm 2016, đầu năm 2017, UBND TP ban hành quy định sửa quyết định 33. Nhưng Chính phủ có nghị quyết 01 có hiệu lực từ ngày 1/3/2017 sửa Nghị định 43 và cho phép các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương quy định tách thửa các loại đất khác. Do đó, không thể ban hành quyết định mà lại sửa liền, nên chờ nghị định 01 và thông tư hướng dẫn của Luật cập nhật luôn nội dung đó vào trong quy định.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, thời điểm này Nghị định 01 có hiệu lực quy định thêm một số nội dung cho phép chuyển tải vào quyết định sửa quyết định 33. TPHCM được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến thông tư hướng dẫn quy định, cập nhật một số hướng dẫn của thông tư vào quyết định sửa 33.
”Mặc dù có chậm nhưng chặt chẽ để làm sao khi đọc quyết định là làm được", ông Thắng khẳng định.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM - Trần Quang Lâm
Thí điểm Grab, Uber đến cuối năm 2018 kết thúc
Về hoạt động của Grab, Uber mà báo chí nêu, ông Trần Quang Lâm – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM thông tin: Hoạt động của Grab, Uber được Chính phủ cho phép thí điểm năm 2015. Đến 2016, Bộ GTVT có quyết định cho TPHCM thí điểm loại hình này, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối với kinh doanh vận tải hành khách theo dạng hợp đồng.
Loại hình Uber, Grab được người dân đánh giá cao, đón nhận tích cực, đặc biệt là về chất lượng, giá thành và sự tiện lợi về thời gian. Ông Lâm cho rằng, về mặt xã hội thì đây là yếu tố tích cực. Tuy nhiên, ở TPHCM, trong thời gian thí điểm cần phải xem xét lại để đảm bảo các bước triển khai ngày càng hợp lý và tốt hơn.
Thời gian qua, Hiệp hội taxi và doanh nghiệp taxi "truyền thống" phản đối cho rằng điều kiện kinh doanh và chính sách thuế đối với Uber, Grab ưu đãi hơn. Tuy nhiên, thực tế là chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải Uber, Grab và với các doanh nghiệp taxi truyền thống là như nhau. Cũng theo ông Lâm, Đề án này chỉ thí điểm 2 năm, cuối năm 2018 là kết thúc.
Ông Lâm cũng đề nghị Uber và Grab ngưng kết nối thêm mới để tổng kết lại, hiện trên địa bàn TPHCM có 20.000 phương tiện đang ứng dụng loại hình kinh doanh này. Ông Lâm khuyến cáo một số người dân muốn tham gia vào hợp tác xã đầu tư xe tham gia ứng dụng công nghệ này thì nên hết sức cân nhắc. Bởi vì thời điểm tổng kết sắp tới, thêm vào đó, chúng ta sẽ có điều chỉnh khi triển khai đại trà sau này. TP kiểm soát bằng cách xử lý theo đề án thí điểm và điều kiện kinh doanh. “Trách nhiệm của TP, doanh nghiệp, mức độ phạm vi, thời gian, không gian và số lượng hợp lý để sau này điều chỉnh khi những tác động (nếu có) xảy ra sẽ được giảm thiểu”, ông Lâm cho biết.