Phòng chống dịch bệnh Covid-19: Cần sự chia sẻ của toàn hệ thống

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân vừa có những chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trong cuộc họp trực tuyến vào chiều tối 16/3.

Với quyết tâm kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn, Thành phố cần sẵn sàng với các kịch bản ứng phó và tập trung phương án 5 “tại chỗ” bao gồm: “nhiệm vụ tại chỗ”; “chỉ huy tại chỗ” , “cơ sở vật chất tại chỗ”, “nhân lực tại chỗ” và “kinh phí tại chỗ”. Đó là một trong những nội dung quan trọng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo tại cuộc họp giao ban trực tuyến về tình hình phòng chống dịch Covid-19 chiều tối 16/3.

Theo đó, để ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới, chiều ngày 16/3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP. Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp trực tuyến về tình hình phòng chống dịch Covid-19 với các Sở, ngành và 24 quận, huyện. Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Thành ủy Thành phố; Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chủ trì tại điểm cầu UBND Thành phố.

Cuộc họp cũng được truyền hình trực tuyến tại điểm cầu Trung tâm Báo chí Thành phố để phục vụ cho các phóng viên, nhà báo tác nghiệp, đưa tin.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Thành ủy TPHCM - Ảnh: Văn Thuận

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Thành ủy TPHCM - Ảnh: Văn Thuận

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao và khẳng định sự quyết tâm của toàn hệ thống Thành phố, nhờ đó kết quả bước đầu được ghi nhận với những khả quan, tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Đồng thời Bí thư Thành ủy đặt ra vấn đề: hiện thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, có nước kiểm soát tốt, có nước đứng trước nhiều khó khăn. Nếu chúng ta lơ là thì hậu quả sẽ như thế nào?

Lấy ví dụ về các nước Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha… có hệ thống y tế phát triển nhưng khi có virus này xuất hiện, họ không coi đeo khẩu trang là nhu cầu, không tìm người có nguy cơ lây nhiễm để cách ly và kết quả là số người nhiễm bệnh gia tăng với tốc độ cao, khó kiểm soát… Bí thư Thành ủy cho rằng, chúng ta cần nhìn rộng ra tình hình các nước trên thế giới để chủ động nắm bắt và ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng phân tích một số vấn đề khi kinh tế - xã hội – giáo dục… bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và nhấn mạnh: lúc này, cần sự chia sẻ của toàn hệ thống. Biểu hiện cụ thể ở việc mỗi người cùng chia sẻ với sự khó khăn chung của đất nước, của Thành phố thông qua việc tiêu dùng ít, chấp nhận thu nhập ít, lời ít… cùng phối hợp trong phòng chống dịch bệnh.

Với câu hỏi dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu? Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng có thể sẽ vài tháng hoặc 1 năm, không thể tính bằng tuần. Vì vậy, mỗi cá nhân, tổ chức phải suy nghĩ, điều chỉnh nếp sống, cách làm việc… có giải pháp điều chỉnh tổng thể để có thể thích ứng phù hợp, vừa phòng chống dịch bệnh nhưng vừa phải duy trì các hoạt động của xã hội.

Việc phòng chống dịch bệnh phải theo quy luật sinh học (đeo khẩu trang, rửa tay…), nhưng vận dụng lại không dễ, tùy thuộc vào ý thức của mỗi người; do đó, việc vận động gia đình, cá nhân có sự chung tay, góp sức là rất quan trọng.

Theo đó, để phòng chống dịch hiệu quả, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: các ngành chức năng liên quan cần tăng cường chủ động dự báo, rà soát và kiểm tra sức khỏe người nước ngoài đến Thành phố mỗi ngày; những nơi đông người cần phải nghiêm túc đeo khẩu trang. “Thành phố đã hợp đồng với 16 công ty sản xuất khẩu trang để đảm bảo cung ứng đủ khẩu trang cho người dân Thành phố” – Bí thư cho biết.

Việc đảm bảo năng lực cách ly, đến cuối tháng 3, Thành phố có thể cách ly tập trung 3.000 người, tháng 4 là 4.000 người với đủ phương tiện, trang thiết bị cần thiết; 1.000 – 1.400 bác sĩ đã được huấn luyện có thể tham gia; 1.600 giường bệnh sẵn sàng cho người bị nhiễm nếu dịch bệnh gia tăng; máy thở hiện có khoảng 1.000 máy, Thành phố sẽ trang bị thêm 1.200 máy để đáp ứng nhu cầu.

Với quyết tâm kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn, Thành phố cần sẵn sàng với các kịch bản ứng phó và tập trung phương án quan trọng 5 “tại chỗ” bao gồm: “nhiệm vụ tại chỗ”; “chỉ huy tại chỗ” , “cơ sở vật chất tại chỗ”, “nhân lực tại chỗ” và “kinh phí tại chỗ”.

Bí thư Thành ủy cũng gửi lời cảm ơn đến tất cả các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, địa phương và người dân trong thời gian vừa qua đã quyết liệt triển khai các biện pháp hiệu quả; nhất là đội ngũ các y bác sĩ Thành phố với quyết tâm và nhiệt huyết, tích cực chữa bệnh cứu người.

Toàn cảnh cuộc họp tại điểm cầu UBND Thành phố- Ảnh: Đình Dân

Toàn cảnh cuộc họp tại điểm cầu UBND Thành phố- Ảnh: Đình Dân

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, sau khi thông tin về một số tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là tại các quốc gia có tốc độ gia tăng dịch bệnh nhanh và có liên quan đến các hành khách nhiễm bệnh đi trên các chuyến bay đến Việt Nam, Sở Y tế Thành phố cho biết: Việt Nam có 57 trường hợp (đến 20 giờ cùng ngày là 60 trường hợp) dương tính với covid-19 ở 12 tỉnh thành, trong đó 16 người đã chữa khỏi, 41 trường hợp nhiễm mới gồm 17 người nước ngoài và 24 người trong nước; 102 trường hợp nghi ngờ nhiễm và đề xuất cách ly gần 30.000 trường hợp.

Tại TP. Hồ Chí Minh, có 8 trường hợp bị nhiễm, trong đó 3 trường hợp đã khỏi và xuất viện, 05 trường hợp mới nhiễm đang được điều trị gồm 03 người Việt Nam và 02 người nước ngoài; 149 trường hợp nghi ngờ và có 146 trường hợp có kết quả âm tính; 1.293 trường hợp được cách ly tập trung; 494 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Các trường hợp nhiễm bệnh xâm nhập vào Thành phố chủ yếu qua đường hàng không đến từ Doha trên chuyến bay QR 974 ngày 2/3, QR 970 ngày 10/3 và từ Thổ Nhĩ Kỳ trên chuyến bay TK 162 ngày 8/3.

Sở Y tế Thành phố đã tiến hành cách ly, lấy mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc gần, tiếp xúc xa với các trường hợp bị nhiễm bệnh.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế Thành phố cũng cho hay: Thông tin về dịch bệnh được cập nhật liên tục; cùng với việc triển khai đồng loạt nhiều biện pháp phòng chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm đối với các đối tượng nghi nhiễm, các du khách đến từ nước ngoài và chuyển kết quả về địa phương để giám sát tại nơi lưu trú.

Nhìn chung, tình hình xử lý, xác minh các trường hợp tiếp xúc, các biện pháp cách ly được Sở Y tế phối hợp với các quận, huyện tích cực triển khai với nhiều mô hình hiệu quả; Người dân rất hợp tác, đồng tình khi cơ quan chức năng xử lý các biện pháp hạn chế, cách ly phòng dịch.

Đồng thời, Thành phố thiết lập 2 bệnh viện điều trị bệnh Covid và hệ thống giường bệnh sẵn sàng cho việc điều trị nếu dịch bệnh gia tăng; tổ chức rà soát lại tất cả công dân vào Thành phố; chuẩn bị thêm các bộ xét nghiệm để triển khai xét nghiệm trên diện rộng; xây dựng 20 phòng cách ly áp lực âm ở BV dã chiến Củ Chi và BV Nhiệt đới…. Cùng các kế hoạch chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trong trường hợp dịch bệnh gia tăng.

Phòng chống dịch bệnh Covid-19: Cần sự chia sẻ của toàn hệ thống

Phòng chống dịch bệnh Covid-19: Cần sự chia sẻ của toàn hệ thống

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp tại điểm cầu UBND TP - Ảnh: Đình Dân

Nhấn mạnh lại những diễn biến phức tạp và mức độ nguy hiểm của “đại dịch covid-19” trên toàn thế giới, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết: Trong lần họp giao ban trước, TP xác định công tác chống dịch của chúng ta đang vào giai đoạn mới. Thành phố không được phép chủ quan, nhất là hiện nay người Việt Nam từ nước ngoài về tránh dịch rất nhiều. Các quận, huyện cần thực hiện khẩn trương, nghiêm túc Chỉ thị của Chính phủ, Chị thị của Thành ủy và UBND TP về các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Trong đó, đề nghị toàn bộ hệ thống chính trị triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về việc đeo khẩu trang tại những nơi tập trung đông người đến tận từng người dân để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Các cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị phải là những người gương mẫu, vận động gia đình, người thân của mình thực hiện nghiêm túc.

Đối với các phản ánh của người dân về một số hiệu thuốc không có bán khẩu trang, tình trạng khẩu trang thiếu, yêu cầu Sở Công Thương khẩn trương rà soát lại và kịp thời xử lý.

Chủ tịch UBND Thành phố cũng giao Sở Y tế chuẩn bị các kịch bản ứng phó với tình hình dịch bệnh trong từng tình huống; Chuẩn bị kịch bản trong trường hợp bùng phát dịch bệnh.

Về các khu cách ly tập trung, hiện nay Thành phố sẵn sàng có 25.000 chỗ cách ly, Sở Y tế cần nghiên cứu, sàng lọc để chia mức độ cách ly, tránh lây nhiễm chéo trong quá trình cách ly. Dự kiến sắp tới Thành phố sẽ sử dụng các quân khu để làm khu vực cách ly mới, tiếp nhận người cách ly từ các tỉnh.

Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến - Ảnh: Đình Dân

Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến - Ảnh: Đình Dân

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị rà soát kỹ, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong việc rà soát, kiểm tra sức khỏe, quy trình tiếp nhận đối với người nước ngoài đến Việt Nam. Đối với công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước cũng cần được đưa đi cách ly tập trung phù hợp.

Về việc sử dụng cơ sở lưu trú du lịch thành nơi cách ly có trả phí, giao Sở Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất trình UBND TP. Hiện nay có 5 khách sạn trên địa bàn TP sẵn lòng tham gia.

Về công văn của Sở Y tế đề xuất không tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn, Chủ tịch UBND Thành phố giao Văn phòng UBND TP sớm tham mưu UBND TP.

Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP, các bệnh viện dã chiến… thường xuyên cập nhật danh sách người nước ngoài được cách ly để Sở Ngoại vụ nắm bắt và có thông tin với lãnh sự các nước có công dân bị cách ly kịp thời.

Với các hoạt động, cuộc thi có sự tham gia của người nước ngoài trong thời gian tới, Sở Giáo dục Đào tạo rà soát, tham mưu cho UBND TP về tính chất, quy mô để có sự điều chỉnh phù hợp.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cấp ủy, chính quyền phường, xã, thị trấn thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế về phòng chống dịch; kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại cơ sở; phân nhóm các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm để khoanh vùng, cách ly hiệu quả; thực hiện khai báo sức khỏe toàn dân kịp thời.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho rằng, cần thành lập bộ phận hậu cần của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 Thành phố để phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố tiếp nhận tài trợ từ các Doanh nghiệp, cộng đồng để phục vụ cho công tác chống dịch.

Nguồn: TTBC TPHCM

Phòng chống dịch Covid-19: Hướng dẫn cách ly tại nhà, nơi lưu trú - Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 879/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 Hướng dẫn cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Bệnh nhân Covid-19 thứ 60 tại Việt Nam là du khách Pháp - Trong chiều tối ngày 16/3, Bộ Y tế cũng nhận được thông tin về trường hợp bệnh nhân COVID-19 thứ 60.
Bình luận