Đó là báo cáo tại hội nghị Tổng kết 13 năm thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng và phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018 ).
Đến dự có bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Trung ương; ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.
Để đưa Luật Thi đua, Khen thưởng vào cuộc sống, TP đã tập trung nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa luật. Các phong trào thi đua yêu nước ngày càng được triển khai đa dạng nhiều hình thức, thiết thực và hiệu quả hơn trên các lĩnh vực đời sống, xã hội; nhiều phong trào thi đua mang tính đột phá, đi vào những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố; được cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân hưởng ứng tích cực; góp phần phát hiện gương điển hình tiên tiến, xây dựng đời sống kinh tế xã hội.
Chủ tịch UBND TP, Nguyễn Thành Phong, nhận định: Qua 13 năm triển khai thực hiện, TP đã ban hành 23 văn bản chỉ đạo thi hành Luật thi đua khen thưởng, 12 quy định về bình chọn các giải thưởng, danh hiệu, qua đó, thể hiện sự chủ động, kịp thời; tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện thi đua khen thưởng trên địa bàn.
TP luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức phát động phong trào thi đua yêu nước, xem phong trào thi đua yêu nước là động lực, là đòn bẩy, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của thành phố.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ghi nhận phong trào thi đua khen thưởng của thành phố Hồ Chí Minh đã bám sát nhiệm vụ chính trị, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp. Thành phố đã phát huy vai trò cùng cả nước, vì cả nước với tinh thần năng động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn thách thức để trở thành đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, địa bàn phát triển năng động nhất cả nước.
TP cũng là điểm xuất phát sáng tạo và nhân rộng, lan tỏa khắp cả nước nhiều phong trào thi đua yêu nước, điển hình như: phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, mùa hè xanh, chung sức xây dựng nông thôn mới…
Các phong trào thi đua thể hiện tính đầu tàu, được triển khai sâu rộng, thực chất, giảm bớt tính hình thức, có chiều sâu, chất lượng, nội dung thi đua phong phú, rộng khắp trên các lĩnh vực, gắn với việc thực hiện các mục tiêu tăng trường kinh tế xã hội.
Trong giai đoạn hiện nay, toàn Đảng, toàn dân đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Vì thế, thành phố phải xem công tác thi đua khen thưởng là đòn bẩy, là động lực để thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Trung ương phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch nước, Đặng Thị Ngọc Thịnh, nhấn mạnh: "Tiếp tục quan tâm, tổng hợp đầy đủ kết quả 13 năm thi hành Luật Thi đua khen thưởng trên địa bàn TP, phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng, gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.
Tiếp tục nâng cao chất lượng quản ý nhà nước về thi đua khen thưởng. Cần tổng kết, chia sẻ, nhân rộng những bài học kinh nghiệm quý, mô hình mới, giải pháp hay, công tác khen thưởng phải kịp thời, công khai, minh bạch, đúng người, đúng thành tích, đúng quy trình và đúng quy định; Tiếp tục quan tâm, kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua khen thưởng".
Tại hội nghị, TP đã đề xuất 19 nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung, sửa đổi Luật Thi đua, Khen thưởng. Dịp này, nhiều tổ chức, cá nhân được Thành phố khen thưởng có thánh tích xuất sắc trong công tác thi đua khen thưởng.