Đây là mô hình vừa được thực hiện và trở thành điển hình của địa phương về bảo vệ môi trường.
Sân thể dục thể thao đối diện hẻm 319 Bình Quới (Khu phố 1, Phường 28, Quận Bình Thạnh, TPHCM) vốn là khu vực đất do hợp tác xã dịch vụ Bình Quới quản lý, cũng từng là bãi đất trống đầy rác thải.
Bà Lương Thị Dung – Trưởng ban công tác Mặt trận Khu phố 1 cho biết, khu vực này từng không chỉ có rác sinh hoạt mà còn có cả mảnh sành, mảnh chai, kim tiêm. Nhiều người còn tới tập kết vật liệu xây dựng và các loại rác thải sinh hoạt cồng kềnh.
Ban điều hành Khu phố và người dân thường xuyên tổ chức dọn dẹp nhưng vẫn không hiệu quả, tình trạng tồn đọng rác vẫn liên tục tái diễn.
Để giải quyết dứt điểm, Mặt trận Khu phố 1 đã vận động nhà hảo tâm và nhân dân ủng hộ chi phí xây dựng “Sân tập thể thao cộng đồng khu phố 1” lắp thêm máy tập thể dục, ghế đá, trồng thêm cây, hoa kiểng tại sân thể dục thể thao.
Thống kê cho thấy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường và Khu phố 1, đã vận động nhân dân tự đóng góp 100% kinh phí với tổng số tiền gần 745 triệu đồng và hiến 300m2 đất để xây dựng sân thể dục thể thao cho cộng đồng này.
Bà Võ Thị Phương Uyên – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Bình Thạnh cho biết, hiện nay, nơi này đã thành công viên xanh mát để người dân tập thể dục, trẻ em có sân chơi, cuối tuần còn có các gian hàng đổi cây xanh…
Bà Tống Thị Sa, ngụ tổ dân phố 11, Khu phố 1 chia sẻ, người dân rất đồng lòng và cảm thấy vui bởi việc làm này không chỉ xóa bỏ điểm đen ô nhiễm mà còn hạn chế tệ nạn xã hội.
Biến bãi rác, khu đất trống thành “Sân tập thể thao cộng đồng khu phố 1” là mô hình điển hình được Thành phố đặc biệt quan tâm. Việc biến một bãi rác thành công viên có sự chung tay của cộng đồng dân cư.
Tuy diện tích chỉ khoảng 300m2, nhưng công viên nhỏ này có nhiều ý nghĩa trong xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.
Thay vì là một khu đất bỏ không, nhếch nhác như trước đây, mảnh đất nay đã được cải tạo thành sân chơi, sân sinh hoạt chung cho người dân quanh khu vực. Không những cải thiện được môi trường sống, những công trình như thế này còn cải thiện được lối sống, thói quen của người dân đối với rác thải.