Quản lý xã hội hướng đến phát triển đô thị bền vững ở TPHCM

 (VOH) - Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Quản lý xã hội hướng đến phát triển đô thị bền vững ở TPHCM” vào sáng 29/8.

Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, quá trình đô thị hóa, phát triển xã hội đô thị tại TPHCM đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách về quản lý xã hội.

Dù TP cơ bản đã đạt được nhiều thành tựu tích cực trong phát triển kinh tế đảm bảo kinh tế có mức tăng trưởng khá, năm 2017 đạt 8,25% và dự báo năm 2018 sẽ là 8,35%. Mức sống của người dân được cải thiện  với thu nhập bình quân đầu người năm 2017 tương đương 5.880 đô la Mỹ.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội của TP hiện nay còn nhiều thách thức như cơ sở hạ tầng quá tải, ùn tắc giao thông và ngập nước chưa được giải quyết triệt để.

Quản lý xã hội hướng đến phát triển đô thị bền vững ở TPHCM

Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo.

Công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy, việc làm cho người lao động, đời sống văn hóa tinh thần của người dân, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo… vẫn còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục.

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sự phát triển kinh tế xã hội cũng đặt ra yêu cầu phải tăng cường đổi mới quản lý, đảm bảo có sự phối hợp đồng bộ và bền vững trên tất cả lĩnh vực của kinh tế và đời sống xã hội.

Theo hiến kế của Phó giáo sư - Tiến sĩ Phan Xuân Biên, Nguyên Ủy viên thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy:

Muốn quản lý xã hội theo hướng tới sự phát triển bền vững từ thực tiễn của TPHCM hiện nay, thứ nhất là sự lãnh đạo của cấp ủy cần có chủ trương, chính sách đúng đắng. Thứ hai là phải thường xuyên theo dõi sự biến đổi của cơ cấu xã hội qua đó kịp thời nắm bắt nhu cầu nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Thứ ba là luôn tạo ra sự đồng thuận và giữ gìn lòng tin của nhân dân, tăng cường các biện pháp vận động, giáo dục, thuyết phục và đối thoại."