Năm 2019, Thành phố nâng mức chuẩn hộ nghèo lên 28 triệu đồng/người/năm, toàn quận có 210 hộ nghèo và 440 hộ cận nghèo. Để đạt được kết quả không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2019-2020, Quận đã tập trung chỉ đạo huy động mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ cho người nghèo như: Trao tặng hơn 100 phương tiện sinh kế trị giá trên 1 tỷ đồng, đảm bảo 100% học sinh là thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo đều được nhận học bổng. Hàng năm, ngân sách Quận bổ sung 2 tỷ đồng cho nguồn quỹ Xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, 15 phường đã chăm lo đột xuất trong đợt COVID-19 cho 890 hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vượt chuẩn cận nghèo các năm với số tiền trên 730.000.000 đồng…
Nhiều mô hình hiệu quả đã được thực hiện như: Mô hình “Tổ hợp may người Chăm” của Ủy ban nhân dân phường 17; Mô hình “Đi bộ gây quỹ tặng thẻ bảo hiểm y tế cho hội viên phụ nữ nghèo” của Ủy ban nhân dân phường 8; Đặc biệt nhất là Ủy ban nhân dân 15 phường trên địa bàn quận đều quan tâm thực hiện tốt giải pháp trợ giúp xã hội với mô hình “Vận động cá nhân, tổ chức trực tiếp chăm sóc thường xuyên hộ nghèo”…
Nhân sự kiện đoàn Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững TPHCM phúc tra tại quận Phú Nhuận về kết quả không còn hộ nghèo theo chuẩn Thành phố giai đoạn 2019-2020, VOH phỏng vấn ông Nguyễn Đông Tùng – Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận về công tác giảm nghèo tại địa phương.
* VOH: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn quận Phú Nhuận thời gian qua?
Ông Nguyễn Đông Tùng: Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của Quận, chúng tôi thấy rằng luôn có sự tập trung quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Quận uỷ, Ủy ban nhân dân Quận và sự phối hợp rất nhịp nhàng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Đặc biệt là vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền của 15 phường trên địa bàn Quận cùng chung tay, góp sức với Ban chỉ đạo Quận thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, chúng tôi được sự đồng thuận của cộng đồng xã hội, của nhân dân, các cơ quan đơn vị, các mạnh thường quân đã cùng với chính quyền, Ban Chỉ đạo Giảm nghèo của Quận hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn, neo đơn, hộ nghèo và hộ cận nghèo thông qua các chương trình trợ giúp xã hội, trợ giúp phương tiện sinh kế, trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và cận nghèo trên địa bàn. Đặc biệt, các trường hợp gia đình chính sách trên địa bàn của Quận luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan đơn vị. Do đó, mức sống và thu nhập của các hộ chính sách trên địa bàn của Quận là không thuộc diện hộ nghèo. Trên hết, chúng tôi nhận thấy rằng các thành viên hộ nghèo và hộ cận nghèo cũng đã có nhiều nỗ lực tự thân vươn lên, họ không trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà nước, của cơ quan đơn vị và luôn hết sức nỗ lực trong việc học nghề, cố gắng tự tạo ra thu nhập.
*VOH: Quận đã thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm nào để đạt được kết quả tích cực như vậy, thưa ông?
Ông Nguyễn Đông Tùng: Như tôi đã nêu, đó là trợ giúp để học nghề và giải quyết việc làm. Thứ hai, đó là sử dụng nguồn vốn thông qua ngân hàng Chính sách xã hội để làm sao tạo ra nguồn vốn làm ăn cho bà con mình. Vấn đề thứ ba là đảm bảo các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ; Và đặc biệt, vấn đề y tế cũng được chúng tôi quan tâm để làm sao bà con có bảo hiểm y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe lúc bệnh tật. Chúng tôi không để xảy ra tình trạng bà con khi đã thoát nghèo rồi mà tái nghèo trở lại. Vấn đề thứ tư đó là đảm bảo việc học hành của con em các hộ nghèo và hộ cận nghèo. Chúng tôi xác định, muốn giảm nghèo bền vững thì con em của họ phải được học tập và phải có kiến thức, có tay nghề để sau này có điều kiện phát triển kinh tế gia đình của mình.
* VOH: Ông đánh giá ra sao về đội ngũ cán bộ chuyên trách giảm nghèo quận Phú Nhuận cũng như hiệu quả từ mô hình Tổ tự quản giảm nghèo hiện nay?
Ông Nguyễn Đông Tùng: Chúng tôi cho rằng một trong những việc thực hiện đạt được mục tiêu, yêu cầu đặt ra, đó là vai trò của con người. Con người ở đây cụ thể là Tổ Tự quản giảm nghèo và các thành viên chuyên trách giảm nghèo, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và đặc biệt là ở 15 phường trên địa bàn Quận. Chúng tôi cho rằng, một trong những yếu tố quyết định là ngoài việc nắm thông tin người nghèo, nắm thông tin hộ nghèo, thì cái tâm của người cán bộ chuyên trách giảm nghèo, cái tâm của thành viên Tổ Tự quản giảm nghèo đối với công tác giảm nghèo bền vững của Quận trong suốt thời gian qua đã góp phần giúp Quận Phú Nhuận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2019-2020.
* VOH: Trong thời gian tới thì theo ông, quận Phú Nhuận cần tập trung những nội dung nào để thực tốt hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững?
Ông Nguyễn Đông Tùng: Quan trọng đầu tiên là cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp tiếp tục xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình an sinh xã hội tại địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, giúp đỡ các trường hợp không có điều kiện lao động để làm sao ổn định cuộc sống, thoát nghèo một cách bền vững. Quan điểm của chúng tôi là không để tái nghèo… Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục chú tâm đến việc đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thành viên hộ nghèo và cận nghèo để làm sao họ có điều kiện tự tạo ra thu nhập, góp phần ổn định kinh tế gia đình và thoát nghèo bền vững.
* VOH: Xin cảm ơn ông!
Minh Phước
Dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh: Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 313/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về