Quảng cáo xe buýt 4 lần đấu thầu thất bại, tại sao?

(VOH) - Sau 4 lần đấu giá quảng cáo trên xe buýt thất bại, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đang triển khai tiếp tục đợt đấu giá lần 5, năm 2019.

Theo kế hoạch được đưa ra đấu giá sẽ có 71 gói quảng cáo tương ứng mỗi gói là một tuyến xe buýt. Thời gian đấu giá diễn ra khoảng 1 tháng, bắt đầu từ ngày 21/6 đến 18/7.

So với 4 lần đấu giá trước, lần này để thu hút các đơn vị, và doanh nghiệp tham gia đấu giá, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã triển khai hình thức đấu giá quảng cáo linh hoạt hơn gồm nhiều gói với giá trị, thời gian cũng như đối tượng được tham gia cũng “thoáng” hơn.

Tuy nhiên, đến nay, việc quảng cáo trên xe buýt vẫn chưa thật sự thu hút được các đơn vị, doanh nghiệp đồng hành? Vì sao quảng cáo trên xe buýt vẫn gặp khó? Làm gì để việc quảng cáo trên xe buýt thu hút hơn? Phóng viên Lê Bằng phỏng vấn ông Hà Lê Ân, phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM.

VOH: Thưa ông, so với những lần đấu giá quảng cáo trước thì lần đấu giá này có gì khác biệt?

Ông Hà Lê Ân: Với lần đấu giá quảng cáo lần 5 này sẽ cải tiến một số điểm. Trước hết là số lượng gói được chia nhỏ. Thứ hai là thời gian thực hiện hợp đồng linh hoạt hơn các lần trước. Chia nhỏ thời gian ra 6 tháng, 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm.

Tiền đặt trước cũng được linh hoạt hơn, gói quảng cáo thời gian 3 năm thì tiền đặt trước chỉ 5%, 2 năm là 7%, 1 năm là 10%, 6 tháng là 15%. Điều này sẽ giảm gánh nặng tiền đặt cọc cho các doanh nghiệp và đặc biệt là cho các đối tượng sản phẩm, các công ty sản phẩm muốn tham gia.

Về đối tượng tham gia, lần này chúng tôi cũng mở rộng hơn tức là ngoài các công ty quảng cáo ra thì các công ty có sản phẩm, các nhãn hàng có thể tham gia đấu giá trực tiếp. Khi đó, các thương hiệu hay nhãn hàng sẽ tiết kiệm được chi phí tốt hơn so với khi mua lại của các công ty đấu giá trúng.

Để cho các đơn vị sản phẩm cũng như nhãn hàng tham gia đấu giá được là phải có hợp đồng nguyên tắc hoặc có biên bản thỏa thuận với một công ty thi công quảng cáo chuyên nghiệp tức là có chức năng thi công quảng cáo.

Với những thay đổi này, tôi thấy việc đấu giá quảng cáo linh hoạt hơn trước, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị quảng cáo cũng như các công ty có sản phẩm tham gia. Do đó, tôi nghĩ rằng là tình hình sẽ có khả quan hơn so với các lần trước.

quảng cáo, xe buýt

Ông Hà Lê Ân, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM.

VOH: Những gói quảng cáo như vậy được đơn vị thuê công ty tư vấn độc lập bên ngoài để hỗ trợ đưa ra giá hay Trung tâm tự nghiên cứu và đề xuất giá?

Ông Hà Lê Ân: Về giá của từng gói thì được căn cứ vào giá sàn của từng chủng loại xe. Ở đây là có 4 loại xe.

Thứ nhất là B40, B55 thì trong B55 bao gồm có B47, B55, B60, thứ ba là B80, thứ tư là xe buýt 2 tầng. Bốn giá sàn của bốn loại phương tiện này đã được UBND thành phố ra quyết định tại quyết định số 471. Để thành phố ra quyết định được giá sàn này thì trước đó trung tâm đã kí hợp đồng với một đơn vị tư vấn độc lập.

Đơn vị tư vấn độc lập này đi thẩm định giá trên cơ sở là khảo sát ba vùng trong nội đô, ngoại ô và vùng trung gian là nội ngoại đô. Đồng thời, cũng có khảo giá các công ty quảng cáo khác trên cơ sở đó mới đưa ra mức giá sàn cho bốn cái loại phương tiện này.

Sau đó, Sở Giao thông vận tải và Sở Tài Chính trong đó Sở Tài chính là đơn vị được thành phố giao nhiệm vụ chính, tham mưu chính, soát xét rất kỹ cách thẩm định giá cũng như là cách khảo giá. Đồng thời cũng rà soát các chi phí đưa vào đơn giá này.

Sau đó, Sở Tài chính đã tham mưu cho thành phố ra quyết định 4711 để duyệt bốn giá sàn cho bốn loại phương tiện. Trên cơ sở giá sàn, chúng tôi mới đưa vào giá của từng gói, bởi vì 1 tuyến thì có nhiều chiếc xe mà chiếc xe loại nào thì mình áp dụng theo quyết định 4711 này. Trong thời gian vừa qua, có một số đơn vị cũng cho rằng giá quảng cáo cao.

Việc thẩm định giá cũng như khảo giá như trên là một cơ sở mà chúng tôi xem xét là đã có tham khảo trên thị trường cũng như là ý kiến các ban, ngành. Trong đợt đấu giá lần 5 này, chúng tôi tiếp tục theo dõi kết quả đấu giá để có thể đánh giá thêm 1 lần nữa về đơn giá chúng ta thực hiện.

VOH: Việc chia nhỏ các gói quảng cáo như vậy định hướng đến nhiều phân khúc thị trường, nhiều đối tượng khách hàng để có thể khai thác được tối đa việc đấu giá. Theo ông, thì tại sao vẫn không thu hút được các doanh nghiệp vào tham gia đấu giá việc quãng cáo trên xe buýt?

Ông Hà Lê Ân: Với loại hình quảng cáo trên thân xe buýt cũng có đặc điểm là xe buýt chạy khắp các nẻo đường trên thành phố, thành ra mỗi tuyến xe buýt đều có sức hấp dẫn riêng phụ thuộc vào từng đặc điểm sản phẩm. Tôi nghĩ rằng, nguyên nhân các doanh nghiệp hiện nay chưa đến mua hồ sơ tham gia đấu giá là do không biết thông tin với hình thức tham gia.

Điều này rất cần các cơ quan truyền thông, báo đài thông báo rộng rãi thông tin này đến được các doanh nghiệp. Có như vậy, tôi nghĩ rằng doanh nghiệp mới có thể tiếp cận và tham gia nhiều được.

VOH: Sau đợt triển khai đấu giá lần này, Trung tâm quản lý giao thông công cộng có kế hoạch dự phòng hay phương án để triển khai những đợt đấu giá tiếp theo?

Ông Hà Lê Ân: Sau mô hình đấu giá theo hình thức bán lẻ này, chúng tôi nghĩ rằng sẽ tiếp tục các đợt đấu giá tiếp theo hình thức là sẽ tiếp cận doanh nghiệp, đơn vị sản phẩm một cách gần nhất. Có một yếu tố nữa mà chúng ta cũng cần xem xét, đó là đối với loại hình quảng cáo nào thì cũng đều có mức tới hạn. Chúng tôi không thể nào bán hết quảng cáo cho tất cả xe được. Chắc chắn tới một thời điểm nào đó cũng sẽ ngưng bởi nhu cầu đã đầy đủ.

Đến lúc đó, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi đợt đấu giá lần 5 này cũng như là đợt 6 để xem đợt nào là đợt ngưng và chấm dứt luôn. Khi chấm dứt như vậy, chúng tôi sẽ nghĩ sang một hình thức khác có thể là không đấu giá nữa, mà có thể là bán lẻ trực tiếp.

Vấn đề này sẽ lại đòi hỏi tính pháp lí và chúng tôi phải trình thành phố để xin phê duyệt chủ trương, hình thức mới. Đó là những định hướng trong tương lai đối với những xe mà không bán được quảng cáo.

VOH: Nếu đợt đấu giá này thành công thì nguồn thu đem lại sẽ góp phần thế nào vào việc trợ giá xe buýt hiện nay ?

Ông Hà Lê Ân: Theo đề án 295 của thành phố ban hành thì toàn bộ chi phí tiền thu được từ đấu giá này đều đưa vào ngân sách thành phố. Tiền này sẽ được chi ngược trở lại trợ giá cho các hoạt động của xe buýt. Mặc dù tiền này là không nhiều so với tổng kinh phí trợ giá hàng năm phải cấp nhưng cũng sẽ đỡ một phần nào giảm bớt gánh nặng cho nguồn ngân sách của thành phố.

VOH : Cảm ơn ông !

Bình luận