Sân bay Tân Sơn Nhất: phân luồng "cửa xanh - cửa đỏ" khai báo hải quan

(VOH) - Ngày 22/8, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã triển khai thực hiện phân luồng theo “Cửa xanh” và “Cửa đỏ” nhằm tạo thuận lợi tối đa, rút ngắn thời gian thông quan cho hành khách nhập cảnh; phù hợp với thông lệ quốc tế; hướng đến mục tiêu thu hút đầu tư, thương mại và du lịch.

Tại khu vực ga đến quốc tế, có 2 cửa treo bảng điện tử hướng dẫn màu xanh – “Cửa xanh” (Không phải khai báo hải quan – Nothing to declare) và 2 cửa treo bảng điện tử hướng dẫn màu đỏ - “Cửa đỏ” (Phải khai báo hải quan – Goods to declare).

Điểm đặc biệt của “Cửa xanh” là, nếu hành khách không có hàng hoá phải khai báo, hoặc cơ quan hải quan không nghi vấn thì hành khách sẽ di chuyển qua “Cửa xanh” để vào nội địa mà không phải mất thời gian cho việc kiểm tra của hải quan. 

Hầu hết hành khách (khoảng 95% trong mỗi chuyến bay) lựa chọn cửa xanh để đi và phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi khai báo của mình. 

Hiện nay, chỉ khoảng dưới 5% khách nhập cảnh trong mỗi chuyến bay phải đi qua “Cửa đỏ” để kiểm tra hành lý, thuộc 2 trường hợp: Hành khách có hàng hoá phải khai báo theo quy định.

Do cơ quan Hải quan nghi vấn có dấu hiệu vi phạm, yêu cầu hành khách chuyển sang luồng đỏ để kiểm tra. Trong trường hợp này hành khách phải tự mở hành lý và xuất trình cho cơ quan Hải quan.

Mỗi khi chuyến bay hạ cánh, hành khách sẽ tự căn cứ vào tình trạng hàng hóa, hành lý của mình để chọn “Cửa đỏ” hoặc “Cửa xanh” để di chuyển vào nội địa. Tại mỗi “Cửa xanh” sẽ có nhân viên hải quan đứng hướng dẫn cho hành khách và sẽ quyết định chuyển luồng sang “Cửa đỏ” để kiểm tra nếu phát hiện nghi vấn.

Luật Hải quan quy định người khai hải quan có nghĩa vụ: “Khai hải quan và làm thủ tục hải quan; cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai; Thực hiện quyết định và yêu cầu của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc làm thủ tục hải quan”.

Nếu hành khách không chấp hành có thể bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm như tạm giữ người, tạm giữ hàng hoá; bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật tuỳ theo trường hợp và tính chất vụ việc vi phạm./.