Tính đến sáng nay 14/6, đã có 5 bệnh viện ở TPHCM ghi nhận có nhân viên mắc COVID-19. Có 3 bệnh viện phải phong tỏa toàn bộ để làm công tác cách ly, khử khuẩn chống dịch.
Riêng bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, nơi có trọng trách trong việc điều trị các ca nhiễm COVID-19 nặng đã phát hiện 53 nhân viên nhiễm COVID-19 trong ngày hôm qua 13/6 và đang bị phong tỏa trong thời gian một tuần.
Trên địa bàn TPHCM theo tổng hợp của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tính đến 17h ngày 13/6/2021 hiện vẫn phong tỏa 335 điểm ở các quận huyện và TP Thủ Đức để phòng chống COVID-19.
TPHCM đang đối diện với nhiều điểm dịch mới, hiện có 8 chuỗi lây nhiễm COVID-19 chưa rõ nguồn lây.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có mặt tại TPHCM để làm việc với bệnh viện Bệnh nhiệt đới và ngành y tế TPHCM đánh giá tình hình lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới rất khác so với một số bệnh viện ở phía Bắc từng bị phong tỏa. Đó là các ca nhiễm được nghi ngờ từ ngoài vào, trên các nhân viên đều đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Theo ông, bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM phải kiểm soát bằng được 53 trường hợp đã nhiễm. Bên cạnh đó, các F1 phải được cách ly tuyệt đối, có thể 2 người 1 phòng có vách ngăn và không được tiếp cận, tiếp xúc với nhau.
TPHCM hiện có các khu vực nguy cơ khác nhau và đang được áp dụng hình thức giãn cách khác nhau. Do đó vấn đề giãn cách xuất phát từ sự chủ động đánh giá tình hình của TPHCM.
Bộ Y tế khuyến cáo, với các vùng đã giảm mật độ dịch như quận Gò Vấp, để thuận lợi trong đời sống sinh hoạt và việc sản xuất hàng hóa lưu thông có thể áp dụng chỉ thị 15 trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc áp dụng cần linh động bổ sung thêm một số điều của chỉ thị 16 để chặt chẽ hơn như hạn chế tụ tập đông người, khoảng cách, mở các quán ăn và điểm cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu...
“Đối với toàn TPHCM trong bối cảnh hiện nay, theo quan điểm của cá nhân, việc áp dụng kéo dài thêm chỉ thị 15 là điều rất cần thiết”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Thực tế hiện nay cho thấy trong các ca mắc COVID-19 có nhiều ca không có triệu chứng, và khi không có triệu chứng thì người bệnh không vào bệnh viện khám.
Do đó công tác xét nghiệm tầm soát cần thực hiện nhanh, định kỳ đối với các người có tiếp xúc thường với các ca bệnh, các điểm có nguồn lây, các nhân viên y tế, phòng dịch và các trường hợp nghi nhiễm.
Đối với người bệnh có triệu chứng vào bệnh viện khám bệnh, không còn cách nào khác bắt buộc mỗi bệnh viện phải nâng cao mức độ sàng lọc, chẩn đoán, xét nghiệm phát hiện và cách ly sớm.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế sẽ thành lập bộ phận thường trực đặc biệt về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM, phối hợp cùng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và ngành y tế TPHCM để chung vai sát cánh cùng thành phố nhằm nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh tại TP.HCM cũng như tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM. |