Tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp với chủ đề “Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển TPHCM nhanh, bền vững” sáng nay 17/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cam kết, TP.HCM sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, sắp tới, sẽ giảm 30% cuộc họp, mỗi năm kiểm tra doanh nghiệp 1 lần, đến năm 2020, TP phấn đấu sẽ có 70% dịch vụ trực tuyến mức độ 3.
Chủ tịch UBND TP.HCM còn khẳng định, tới đây thành phố sẽ phấn đấu thời gian để giải quyết thủ tục đầu tư của tổ công tác liên ngành về đầu tư giảm 50% so với quy định. Mục tiêu đến 2020, TPHCM sẽ có 70% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 30% mức độ 4; chỉ số cải cách hành chính 2018 đứng trong top 10 cả nước.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, năm 2018, TP sẽ lập tổ liên ngành về đất đai để hỗ trợ mặt bằng, đất đai cho doanh nghiệp.
Toàn cảnh hội nghị
“Hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, trọng tâm là 4 ngành công nghiệp trọng yếu, hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp 2.000 dự án khởi nghiệp và sáng tạo thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo kết nối, ươm tạo… quy hoạch và thu hút đầu tư dự án khởi nghiệp với tổng quy mô 40.000m2 trên toàn thành phố.
Tất cả cơ chế chính sách đặc thù, đang nghiên cứu và triển khai theo nghị quyết 54 của Quốc hội sẽ góp phần làm cho doanh nghiệp lớn mạnh phát triển hàng hóa, tuyệt đối không cản trở lưu thông hàng hóa cũng như không tạo gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp” – ông Phong khẳng định.
Ông Phong cho rằng, nghị quyết 10 của kinh tế tư nhân 5 đã xác định, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15% nhưng số vốn đăng ký tăng 45%. Năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15% nhưng số vốn đăng ký tăng 200%.
Từ những nỗ lực của TP và các doanh nghiệp, TP được tổ chức thế giới đánh giá ở vị trí thứ hai trong số 10 thành phố năng động nhất thế giới; có 4 doanh nghiệp Việt Nam được xếp hạng nằm trong số 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, tất cả đều có trụ sở tại TP.HCM.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phong cũng nhìn nhận, TP đứng trước nhiều thách thức, có 49% doanh nghiệp lớn, còn lại hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Trong đó, có gần 6% doanh nghiệp vừa, gần 5% doanh nghiệp nhỏ và hơn 88% doanh nghiệp siêu nhỏ.
Góp ý về chính sách mới mà Sở Xây dựng TP vừa đề xuất diện tích nhà ở trung bình tối thiểu để đăng ký thường trú vào nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ trên địa bàn TP là 20m2/người, theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP - Lê Hoàng Châu, TP nên tham khảo diện tích mà Hà Nội đang áp dụng là 15m2:
“Hiệp hội chúng tôi thấy rằng, giải quyết bài toán nhà ở vừa túi tiền cho người có thu nhập thấp công nhân, lao động, sinh viên là rất khó, cần có sự phối hợp. Hiệp hội khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản cần tái cơ cấu đầu tư để chuyển hướng phát triển nhiều dự án vừa túi tiền, có nhiều tiện ích với các căn hộ vừa và nhỏ có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn và tích cực tham gia chương trình nhà ở xã hội của TP, xây dựng các chung cư cũ hư hỏng nặng, trước hết là 15 chung cư cũ loại D nguy hiểm”. – ông Châu kiến nghị.
Nêu thực trạng một bộ phận cán bộ vẫn còn quan liêu gây khó khăn cho doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM đề xuất TP sớm nhân rộng mô hình đánh giá trực tuyến của người dân đối với sự hài lòng của cơ quan hành chính công. Đồng thời, đề xuất TPHCM nên lập tổ công tác như tổ công tác của Thủ tướng để giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Theo thực trạng hiện nay, ở một số cơ quan ban ngành của TPHCM vẫn tồn tại bộ phận cán bộ công chức có văn hóa ứng xử với người dân, doanh nghiệp không tốt. Chúng tôi kiến nghị TP nên sớm nhân rộng mô hình đánh giá thực thi và xếp hạng cán bộ công chức theo thị trường bằng cách, chấm điểm trực tiếp của người dân với cán bộ”- bà Chi nói.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc
Tại buổi gặp gỡ, Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng thông tin thêm về việc điều chỉnh quy hoạch của TP, làm rõ nhu cầu về đất đai, nhu cầu về khu công nghiệp, đất cho nông nghiệp nhưng đặc biệt là sẽ có điều chỉnh là rà soát lại quy hoạch của ba quận gồm: 9, 2, Thủ Đức, tích hợp quy hoạch để hình thành một trung tâm đô thị sáng tạo thành phố, đô thị sáng tạo, là hạt nhân để tiến hành cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP đã tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư biến rác thành điện, hội nghị giới thiệu các nhu cầu dự án kêu gọi đầu tư, chỉnh trang đô thị các kênh rạch, xây nhà người dân.
Sắp tới còn làm những hội nghị như vậy nữa. Đặc biệt 100 dự án có nhu cầu đầu tư ít nhất 500 tỷ đồng hướng tới các nhà đầu tư có mặt ở đây.
“Để hội tụ những đóng góp về trí tuệ, cũng như quyết tâm của TP và nhà khoa học, chúng tôi dự kiến tháng 10 sẽ tổ chức diễn đàn kinh tế TPHCM lần thứ nhất và sẽ làm thường kỳ diễn đàn kinh tế này để tích hợp những sáng kiến trí tuệ của tất cả các giới, trong nước để thành phố phát triển, vì thành phố và vì cả nước”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói.