Tại Việt Nam, tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng là một vấn đề sức khỏe cộng đồng với tỷ lệ thương tích và tử vong cao so với các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, trong đó, tai nạn giao thông và đuối nước là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Sơ cấp cứu là hành động can thiệp, trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn do thương tích hoặc do bệnh lý cấp tính ngay tại hiện trường trước khi có sự hỗ trợ của nhân viên y tế nhằm cứu sống nạn nhân, ngăn không cho tình trạng sức khỏe của nạn nhân xấu đi, hạn chế biến chứng, di chứng của tổn thương.
Hội Chữ thập đỏ TPHCM giao lưu những mô hình hoạt động sơ cấp cứu tiêu biểu; ra mắt Đội sơ cấp cứu lưu động gồm 9 thành viên là những tài xế xe công nghệ, sinh viên, công nhân, nội trợ, tiểu thương đã được tập huấn kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu của Tình nguyện viên cấp I.
Tình huống giả định được đưa ra trong buổi diễn tập là 1 vụ cháy bất ngờ ở khu đông dân cư đang diễn ra các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Sau khi nghe tiếng kêu cứu thì tất cả người dân ở khu vực xung quanh đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ như kêu gọi đội cấp cứu, hoặc cứu người bị nạn ra ngoài băng bó, sơ cứu ban đầu 1 cách nhanh chóng.
Mỗi năm tổ chức Hội đã huấn luyện sơ cấp cứu cho hàng chục ngàn người; trong đó đang phối hợp với huyện Cần Giờ, Quỹ Tâm Nguyện Việt tổ chức huấn luyện 800 ngư dân, diêm dân, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng trong Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”.
Với ngành giáo dục, Hội huấn luyện kỹ năng và hội thi sơ cấp cứu trong đối tượng giáo viên, học sinh, sinh viên; với doanh nghiệp huấn luyện công nhân, nhân viên gắn liền hoạt động Sơ cấp cứu trong công tác phối hợp phòng chống cháy nổ, kịp thời cấp cứu chuyển viện nạn nhân khi xảy ra hữu sự.
Việc ra đời các mô hình sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc chủ động phòng tránh và kịp thời khắc phục hậu quả cho nạn nhân do tai nạn giao thông, đuối nước cũng như các nạn nhân do thiên tai, thảm họa khác, trợ giúp kịp thời người bị nạn, góp phần hạn chế tỉ lệ tử vong và thương tật, tàn phế cho nạn nhân.