Tăng cường diệt muỗi, lăng quăng chống Zika

(VOH) - Chiều 3/11, Ủy Ban Nhân dân TP đã tiến hành họp khẩn với Sở Y tế TP, hệ thống y tế 24 quận, huyện , các ban ngành liên quan để bàn phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh do vi rút Zika.

Cuộc họp khẩn về phòng, chống vi rút Zika chiều 3/11.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP thông tin tính đến ngày 3/11, cả nước đã có 28 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại 7 tỉnh, thành. Riêng TPHCM đã có 21 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại 11 quận, huyện. Bác sĩ Dũng lưu ý, sắp có thêm 9 trường hợp nhiễm vi rút Zika sẽ được công bố.

Bắt đầu từ tuần tới, Trung tâm Y tế dự phòng TP cho biết sẽ bắt đầu tiến hành giám sát, xử lý ca bệnh ngay khi có trường hợp nghi ngờ Zika, không để có kết quả xét nghiệm mới xử lý vì như vậy sẽ rất chậm trong khoanh vùng xử lí ổ dịch.

Trong giải pháp để chống dịch, Trung tâm Y tế dự phòng TP nêu rõ, nếu chỉ phun thuốc mà không diệt lăng quăng thì sẽ không hiệu quả vì thuốc chỉ diệt được đàn muỗi trưởng thành nên 2 hoạt động này cần tiến hành song song. Vậy nên, công tác chống dịch hiện cần làm ngay là tăng cường truyền thông, kiểm soát các điểm nguy cơ, việc này mang tính chất quyết định trong thực hiện phòng chống dịch sốt xuất huyết và Zika.

Qua giám sát, hiện vẫn còn rất nhiều ổ lăng quăng và cộng đồng vẫn còn lơ là về công tác diệt lăng quăng, diệt muỗi.  

Tiếp lời Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM nêu rõ: Tính từ đầu tháng 10 đến nay, trung bình 1 tuần có 5 trường hợp nhiễm vi rút Zika, trong đó đã có 4 trường hơp mang thai nhiễm vi rút Zika, trong đó 1 trường hợp mang thai 3 tháng đầu thai kì.

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, 80% người nhiễm không có biểu hiện lâm sàng, thời gian ủ bệnh lâu 14 ngày nên nguồn bệnh không thể kiểm soát được, vì vậy nên phòng chống chủ yếu là kiểm soát muỗi vằn.

"Phải kiểm soát muỗi vằn. Tôi nghĩ bây giờ tập trung bằng mọi cách phải làm giảm mật độ muỗi. Giảm được tối đa bao nhiêu thì cơ hội mắc cho cộng đồng ít bấy nhiêu và cũng sẽ giảm được số phụ nữ mang thai mắc", PGS.TS Phan Trọng Lân nói.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Nguyễn Thị Thu nhận xét hiện tại, trong công tác phòng chống dịch, còn nhiều phường, xã thiếu sự quan tâm, chưa thực hiện tốt chỉ đạo phòng chống dịch. Cần rút kinh nghiệm Sở Tài nguyên môi trường và Sở Y tế trong công tác tuyên truyền, phối hợp, vận động bà con tổng vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, có 3 quận, huyện công tác vệ sinh môi trường chưa đảm bảo cũng được chỉ rõ là huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Bình Thạnh vì tại những nơi đây ổ muỗi còn rất nhiều.

"Cần tích cực chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tổ chức phun xịt thuốc, không để thành dịch; nắm danh sách thai phụ trên địa bàn, cập nhật thông tin nếu thai phụ nhiễm vi rút Zika dẫn đến hậu quả gì. Đối với thai phụ có dấu hiệu mắc bệnh phải tư vấn ngay", bà Thu lưu ý.

Ngay sau cuộc họp này, Ủy Ban Nhân dân TP cũng sẽ công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp thành phố.