Tăng cường thanh tra đột xuất về an toàn vệ sinh thực phẩm

(VOH) - Sáng 15/12, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội, dẫn đầu đoàn giám sát đã làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011-2016” tại TPHCM.

Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn giám sát của Quốc hội với UBND TPHCM về an toàn thực phẩm.

Qua kiểm tra 13 cơ sở, bao gồm các lò giết mổ heo, cơ sở chế biến thủy sản, bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất rau an toàn, các chợ đầu mối… đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực của thành phố trong việc quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, thành phố đang quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung, chuyển từ giết mổ thủ công và bán công nghiệp thành giết mổ công nghiệp, từ đó sẽ giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, hoặc mô hình quản lý chợ đầu mối; quy trình giết mổ bằng hình thức gây mê, đặc biệt là việc thực hiện đề án quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo…

Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng nhận định, việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm không thể kiểm định an toàn một công đoạn, mà phải xuyên suốt một quá trình, cần phải đưa ra chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể đạt được.

Với dân số đông nhất nước, thành phố không thể đảm bảo tự sản xuất, vì vậy cần có những biện pháp phối hợp các tỉnh thành lân cận.

Tại buổi làm việc, các bộ ngành liên quan cũng đã giải trình đối với một số kiến nghị, đề xuẩt của thành phố liên quan đến các hoạt động kiểm tra giám sát, chính sách về an toàn về sinh thực phẩm.

Cụ thể, về kiến nghị tăng cường thanh tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết chỉ có thanh tra đột xuất thì mới phát hiện ra được nhiều vi phạm, chứ còn nếu thanh tra theo kế hoạch thì không có tác dụng và chỉ tốn tiền. Chính vì thế, Bộ chỉ đạo không có thanh tra theo kế hoạch nữa mà thanh tra đột xuất là chính. Đồng thời, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, các đồng chí công an trinh sát trước, phát hiện và sau đó là đột xuất thanh tra để xử lý vi phạm thì chắc chắn là sẽ có kết quả.

Còn đại diện Bộ Y tế đề nghị thành phố phải xây dựng dữ liệu, những cơ sở về thực phẩm an toàn. "Phải có thông báo công khai để người dân có lựa chọn, nếu chúng ta mở tất cả các cơ sở an toàn thì những cơ sở không an toàn sẽ bị dẹp bỏ, nhưng để đảm bảo được cơ sở đó có an toàn hay không thì trách nhiệm của chính quyền địa phương rất nặng", ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay. 

Qua giám sát, ông Phan Xuân Dũng cho rằng, TPHCM là địa bàn làm khá tốt về vấn đề an toàn thực phẩm

"Các quy trình sản xuất rau sạch, thực phẩm sạch khá là bài bản, phần lớn các cơ sở sản xuất rau sạch đều đăng ký cam kết với các cơ quan chức năng. Hiện thành phố có 19 cơ sở giết mổ, các cơ sở này đều đăng ký cam kết với chính quyền thành phố về bảo đảm an toàn thực phẩm, sắp tới, các cơ sở giết mổ nửa công nghiệp sẽ chuyển thành sản xuất giết mổ công nghiệp, có nghĩa là giết mổ hoàn toàn sạch sẽ và đảm bảo an toàn thực phẩm", ông Dũng đánh giá.

Ngoài ra theo ông Phan Xuân Dũng, đoàn sẽ tập hợp lại các dữ liệu thành báo cáo để trình Quốc hội liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật an toàn thực phẩm. Năm tới, Quốc hội cũng sẽ thông qua một chương trình, trong đó có liên quan đến xây dựng luật về chăn nuôi, trồng trọt, quá trình ấy sẽ được cập nhật từ buổi giám sát này để sản phẩm chăn nuôi Việt Nam an toàn và phát triển tốt.