Chờ...

Thành phố thông minh mà đèn đỏ vẫn vượt thì không thể chấp nhận!

(VOH) - Bên cạnh nội dung khởi nghiệp, sáng 12/7, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến vai trò của Sở Khoa học Công nghệ trong việc phát triển đô thị sáng tạo, đô thị thông minh mà TPHCM đang hướng đến. 

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng, việc phát triển đô thị thông minh có vai trò quan trọng của yếu tố con người, vậy với vai trò của mình, Sở KHCN có sự chuẩn bị như thế nào?

"Quan điểm và giải pháp của Sở như thế nào để phát triển tri thức, nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao khả năng hội nhập khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khả năng kết nối. Thành phố cần tạo không gian sáng tạo như thế nào để khai thác tiềm năng sáng tạo để các bạn trẻ có điều kiện bày tỏ sáng tạo.

TPHCM đang đối diện với nhiều vấn đề lớn như ngập nước, kẹt xe… vậy thì, Sở có suy nghĩ gì về xây dựng những mô hình, trung tâm dữ liệu để phản ánh, góp phần xử lý nhưng vấn đề này thông qua các giải pháp khoa học công nghệ".

 Kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân Thành phố Khóa 9, HĐND

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy chất vấn Sở Khoa học công nghệ.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở khoa học công nghệ cho hay Sở đã hình thành chương trình nghiên cứu mục tiêu, hướng ngành công nghệ thông tin vào việc nghiên cứu và xây dựng các giải pháp đóng góp cho đô thị thông minh. Hiện nay đã bắt đầu tiếp nhận các đề tài, đề xuất để nghiên cứu. Phối hợp với các vườn ươm, tổ chức các cuộc thi, tuyển chọn các dự án đóng góp vào việc xây dựng thành phố thông minh, ví dụ như cuộc thi về IoT. Hiện nay, công nghệ IoT là công nghệ cốt lõi cho việc xây dựng Thành phố thông minh cũng như cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

"Tất nhiên, như đại biểu Thúy đề cập, vấn đề con người rất quan trong nhưng không chỉ riêng của Khoa học Công nghệ mà tất cả các ngành đều tham gia vào việc nâng cao nhận thức của người dân. Bởi vì, Thành phố thông minh mà đèn đỏ vẫn vượt thì không thể nào nói là thông minh được", ông Dũng nói.

 Kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân Thành phố Khóa 9, HĐND

Ông Nguyễn Việt Dũng trả lời ý kiến các đại biểu

Cũng về vấn đề này, đại biểu Trần Quang Thắng đặt câu hỏi: "Ông có suy nghĩ gì về vai trò và hướng đi của mình trong việc góp phần chung vào không gian về khoa học sáng tạo, khoa học công nghệ đối với sự phát triển của Thành phố thông minh mà Bí thư Thành ủy đề xuất. Chúng ta có những chiến lược và kế hoạch như thế nào để phát triển những gì khả thi, nằm trong tầm tay và sở trường của Sở Khoa học và Công nghệ?".

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Việt Dũng cho hay, hiện đơn vị đã dành khoảng hơn 20% kinh phí để hỗ trợ thực hiện các đề tài nghiên cứu nằm trong 7 chương trình đột phá của TP. Riêng đối với chương trình giảm ùn tắc giao thông, Sở đang phối hợp với Đại học Quốc gia để kết nối các nhà khoa học tham gia vào lĩnh vực này, với những đề tài như “Hệ thống thu thập dữ liệu và cảnh báo giao thông sử dụng điện thoại thông minh” của Đại học Bách khoa và chuẩn bị áp dụng thử nghiệm. Hay chương trình “Ước lượng và trực quan hóa các thông số giao thông dựa trên hình ảnh"…

 Kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân Thành phố Khóa 9, HĐND

Đại biểu Trần Quang Thắng chất vấn tại Kỳ họp sáng 12/7.

Trong đề án thành phố thông minh, TPHCM đã có một dự án lớn để xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu lớn để xử lý vấn đề này, với nhiều đối tác có thế mạnh về lĩnh vực này. "Về giải pháp xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh mà đại biểu Thắng đề xuất, chúng tôi đã tham mưu các chương trình mục tiêu để huy động các trường, Viện, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia đóng góp, đề xuất những dự án giải pháp cụ thể để đóng góp cụ thể cho nội dung này. Trên thực tế cũng đã có nhiều giải pháp để đóng góp cho việc xây dựng Thành phố thông minh. Nếu dựa vào từng nghiên cứu của mỗi một trường đều không giải quyết được vấn đề này. Vì tương tự như lĩnh vực chống ngập nước, các đề án đều chỉ hỗ trợ ở từng góc cạnh một chứ chưa có giải pháp tổng thể", ông Dũng cho hay.