Thành phố Thủ Đức sẽ là đòn bẩy để TPHCM phát triển bền vững (Kỳ 1)

(VOH) - Trong những ngày đầu năm 2021, TPHCM đón nhận sự kiện quan trọng khi Thành phố Thủ Đức chính thức được hình thành và vận hành theo mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước.

Sự ra đời của Thành phố Thủ Đức không chỉ đơn thuần là sự thay đổi về địa giới hành chính mà đó còn được kỳ vọng là Khu đô thị sáng tạo tương tác cao bậc nhất của cả nước và khu vực. Thành phố Thủ Đức cũng sẽ là cực tăng trưởng bền vững cho TPHCM phát triển.

 Kỳ 1: Vững tin về Thành phố Thủ Đức

Trước khi trình Chính phủ và được Quốc hội ban hành Nghị quyết 1111 chấp thuận thành lập Thành phố Thủ Đức, nhiều thế hệ lãnh đạo TPHCM, cùng các chuyên gia trong và ngoài nước đã tốn rất nhiều công sức để hình thành ý tưởng, xây dựng đề án, kế hoạch triển khai, cũng như phân tích kỹ về tiềm năng và lợi thế của 3 quận phía Đông.

Theo đó thì hầu hết các chuyên gia, các nhà quy hoạch đều cho rằng TP HCM đã chọn đúng hướng để phát triển. Vì nơi đây hội đủ đầy đủ các điều kiện cần thiết để hình thành một khu đô thị sáng tạo tương tác cao như: Làng đại học, Khu công nghệ cao, cảng biển, hạ tầng giao thông kết nối với sân bay Quốc tế Long Thành và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Thành phố Thủ Đức sẽ là đòn bẩy để TPHCM phát triển bền vững” – Kỳ I
Anh minh họa. 

Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, người rất tâm huyết với đề án thành lập Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông cho biết dù có nhiều phân tích khả thi, nhưng để có cơ sở khoa học và thiết kế toàn diện TPHCM đã mời các chuyên gia nước ngoài lập đề án một cách khoa học. “Đầu 2020 chưa có tên Thành phố Thủ Đức, khi bàn vào tương tác cao thì phải được quy hoạch thống nhất. Hình thành trung tâm sáng tạo, có điều kiện sống, văn hóa tốt. Chúng ta tổ chức cuộc thi quốc tế về ý tưởng hình thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao thì có 5 công ty lớn trên thế giới tham gia và đều khẳng định 3 quận này có đầy đủ điều kiện”, ông Nguyễn Thiện Nhân thông tin.

Trước khi trở thành Thành phố Thủ Đức, khu Đông TP.HCM với ba Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức là đã một trong những nơi có nền kinh tế - xã hội phát triển nổi bật so với các vùng khác của thành phố. Thêm vào đó khu vực này tiếp giáp với những nền kinh tế năng động là Đồng Nai, Bình Dương. Nếu như trước đây, hai địa phương này được xem là đô thị vệ tinh của TPHCM thì nay đã lớn mạnh và trở thành đối trọng thật sự của TPHCM. Sự vươn lên mạnh mẽ của Bình Dương hay Đồng Nai cùng với khu vực phía Đông TPHCM là Thành phố Thủ Đức sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của cả khu vực Đông Nam Bộ.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết trong quá trình xây dựng Đề án thành lập thành lập Thành phố Thủ Đức đã được làm thận trọng và bài bản. Mục tiêu trong tương lai sẽ hình thành hệ sinh thái sáng tạo, đô thị thông minh và Thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% – 35% GRDP của TP HCM tương đương với khoảng 7% GDP quốc gia. “Chúng ta phải cho người dân Thủ Đức thấy rằng đây là niềm tự hào. Nếu thực hiện được sứ mệnh như vậy và đóng góp vào sự phát triển Quốc gia, của Thành phố bằng công sức của tất cả chúng ta và của hơn 1 triệu người dân. Chúng ta phải truyền cảm hứng này, mà cái này không phải tự nghĩ ra mà có cơ sở đàng hoàng”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Bên cạnh hạ tầng giao thông, những khu vực được xem là hạt nhân của Thành phố Thủ Đức tương lai hiện cũng đã và đang dần thành hình. Trong đó, Khu đô thị Thủ Thiêm với diện tích 657 ha, bao gồm khu trung tâm thương mại, tài chính, khu dân cư cho khoảng 150.000 người sinh sống và hơn 220.000 người làm việc thường xuyên. Khu công nghệ cao hiện cũng đã đón nhiều tên tuổi lớn của ngành công nghệ tiên tiến trên thế giới đến đầu tư, cùng với Khu đại học Quốc gia TP.HCM với hơn 10 trường thành viên mỗi năm đào tạo hàng trăm nghìn sinh viên cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước. Hạ tầng giao thông là một ưu điểm nổi bật của khu Đông TP.HCM với hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đã và đang được triển khai. Phân tích thêm từ Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng về những tiềm năng của Thành phố Thủ Đức, nhất là trong bối cảnh TPHCM triển khai chính quyền đô thị: “Quy hoạch phát triển của TPHCM gắn liền Khu Công nghệ cao và Đại học Quốc gia. Đây là sự đột phá để chuyển hướng kinh tế Thành phố vào công nghệ cao phù hợp với cách mạng 4.0.”

Thành phố Thủ Đức hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 quận, tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Theo các chuyên gia, việc xác định 6 khu vực chức năng sẽ tạo đột phá cho khu đô thị sáng tạo như: Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm, khu công nghệ cao, trung tâm giáo dục đại học, khu sinh thái Tam Đa, khu đô thị cảng Trường Thọ. Dự báo Thành phố Thủ Đức sẽ trở thành điểm đến lý tưởng thu hút đầu tư, góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng, kỹ thuật hiện đại. Từ những nghiên cứu đề án đến thực tiễn, PGS, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM hoàn toàn tự tin Thành phố Thủ Đức sẽ phát triển đúng như mong đợi: “Chúng ta mong đợi trong thời gian tới Thành phố Thủ Đức sẽ phát triển phù hợp với xu thế phát triển công nghiệp 4.0, là đô thị tương tác cao, đô thị sáng tạo kết hợp nguồn nhân lực, khoa học, có đủ điều kiện hình thành và phát triển như sự mong đợi".

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn để phát triển TPHCM bền vững. TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có thể đạt được những thành tựu kinh tế rất cao nếu có những bước đi và lộ trình phù hợp trong thời gian tới. Dù chưa có kinh nghiệm trong việc hình thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao nên việc thực hiện không đơn giản, bởi nó đòi hỏi một nguồn vốn đầu tư rất lớn, đòi hỏi cách quản lý cần có sự thay đổi, cần có cơ chế đặc thù cho khu vực này. Tuy nhiên bằng trí tuệ của người Việt Nam, sự ủng hộ của Trung ương, của TPHCM và của rất nhiều nhà khoa học giỏi có kinh nghiệm, chắc chắn trong tương lai gần Thành phố Thủ Đức sẽ là cực tăng trưởng rất tốt nếu có được cơ chế hợp lý.

“Thành phố Thủ Đức phải làm sao độc lập được sự quản lý, về tài chính, về mặt phát triển. Tất nhiên trong đó mọi quyết định phải theo định hướng chung của TPHCM và phải được sự tham vấn của các nhà lãnh đạo TPHCM và Trung ương. Với các công việc hàng ngày thì lãnh đạo Thành phố Thủ Đức phải có năng lực để quyết định”,  Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.

Mục tiêu ra đời của Thành phố Thủ Đức trong TPHCM đã được xác định ngay từ đầu là khu đô thị sáng tạo tương tác cao, là nơi hội tụ những giá trị tri thức, là nơi có chất lượng sống tốt, hạ tầng hoàn chỉnh… Mục tiêu ấy đã và đang được Lãnh đạo TPHCM hướng đến bằng những kế hoạch, đề án rất khoa học với việc chính thức vận hành bộ máy chính quyền Thành phố Thủ Đức từ ngày 22/1/2021. Và sắp tới đây sẽ tiếp tục triển khai nhiều nhiều công việc đòi hỏi cần có sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền và cả người dân Thành phố Thủ Đức. Điều quan trọng là từng bước đi phải có lộ trình và định hướng rõ ràng cùng cơ chế chính sách phù hợp.