Thành phố tinh giảm biên chế nhưng cần đảm bảo đạt mục tiêu kép

(VOH) - “Áp lực nhiều nhất là TPHCM, dư địa thực hiện được hiệu quả nhất cũng là TPHCM, do đó, Chính phủ chờ vào những đột phá trong đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố”.

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, tại buổi làm việc về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập tại TPHCM vào sáng 10/6.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý trên địa bàn thành phố năm 2016 là hơn 1.870 đơn vị. Trong đó, còn hơn 90% đơn vị phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Trong điều kiện ngân sách thành phố tỷ lệ điều tiết giảm và thu ngân sách khó khăn thì việc giảm chi ngân sách cho bộ máy là vô cùng cần thiết.

TPHCM xác định việc tự chủ kinh phí, đến năm 2018, lĩnh vực y tế có thể đạt được tỷ lệ trên 50%; Đến năm 2021, lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có thể đạt được tỷ lệ trên 50%: Lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch có thể phấn đấu từ 30% đến 40%.

Tuy nhiên, với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề chiếm 76% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn. Trong đó, chỉ có 0,7% đơn vị tự đảm bảo toàn bộ kinh phí. Để các đơn vị trong lĩnh vực này tự chủ kinh phí cần có sự đột phá, phát triển chất lượng dạy và học để tương xứng với giá người học chi trả.

Tuy nhiên, còn một số đơn vị thực hiện việc đổi mới chậm, chưa đồng bộ. Các chính sách đòn bẩy kinh tế như thuế, tín dụng, đất đai, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội chưa phát huy hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống cơ sở dịch vụ ngoài công lập.

Thu nhập tăng thêm chưa đồng đều giữa các đơn vị sự nghiệp. Công tác tinh giảm biên chế mới đạt được bước đầu, số tinh giảm còn quá ít, đạt tỷ lệ thấp so với tổng số người làm việc đã sử dụng.

Để công tác cải cách hiệu quả hơn, thành phố sẽ tập trung tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thu hút người có tài năng, có trình độ cao; có chính sách phát triển xã hội hóa. Việc đổi mới cơ chế tài chính, hệ thống tổ chức theo hướng tăng cường phân cấp và tăng tính tự chủ trong các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ: phân cấp cho UBND TP được quyết định tỷ lệ trích nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo đủ nguồn cải cách tiền lương khi Chính phủ tăng lương theo lộ trình; Phân cấp cho UBND TP được thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của một đô thị đặc biệt.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tiếp thu ý kiến và đề xuất.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề xuất: "Thành phố năm 2017 chiếm tỷ lệ khoảng 47% chi thường xuyên nhưng chúng tôi phấn đấu phải giảm chỉ tiêu này hơn nữa, gắn với việc chuyển nhanh đơn vị sự nghiệp công sang tự chủ, phải phấn đấu tỷ lệ này xuống khoảng 40%. UBND TP đã giao cho Sở Nội vụ chuẩn bị một đề án cụ thể, đơn vị sự nghiệp công thì lộ trình thế nào, đối với các ngành thì thế nào và đề án nâng cao tính tự chủ về tài chính.

Thành phố đang gặp khó khăn, đề nghị sớm ban hành nghị định về cơ chế tự chủ ở từng lĩnh vực và trên cơ sở đó thành phố mới xây dựng cơ chế tự chủ cho mình tốt".

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, nội dung của cơ chế quản lý và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tập trung vào việc: thực hiện nhiệm vụ, xây dựng và tổ chức hoạt động; tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc; Quản lý và sử dụng viên chức và quản lý tài chính hiệu quả.

TPHCM thực hiện đổi mới cơ chế chính sách cần tập trung: "Theo hướng giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trãi, nhỏ lẻ, khắc phục những trùng lặp, thiếu hiệu quả, trên cơ sở đó tinh giảm biên chế, tinh giảm đầu mối, như vậy, mới đạt được mục tiêu kép. Ví dụ 1 đơn vị đang có 100 biên chế nhà nước mà chuyển sang tự chủ thì chúng ta giảm được 100 người hưởng lương đồng thời cũng có thể tuyển thêm được 100 lao động nữa. Như thế lao động tăng lên, việc làm tăng lên nhưng số người hưởng lương từ quỹ lương nhà nước giảm. Ngoài ra, chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tách bạch được chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung ứng dịch vụ công".

TPHCM đã và đang thực hiện việc đổi mới cơ chế quản lý, tài chính, tổ chức hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý phải hướng tới mục tiêu tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, công bằng, phù hợp với lộ trình cải cách hành chính nhà nước và tình hình thực hiện của thành phố.