Thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo phải ra sức học nghề !

(VOH) - Giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương lớn, luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo...

Chủ trương này nhằm không ngừng nâng cao mức sống, chất lượng sống cho người dân thành phố để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Yếu tố quan trọng để thực hiện giảm nghèo hiệu quả là phải tạo động lực thúc đẩy với phương thức “trao cần câu không trao con cá” và chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững như vốn vay, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, thu nhập, nhà ở, bảo hiểm, hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin. Phóng viên VOH phỏng vấn ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM xoay quanh công tác Giảm nghèo Bền vững trên địa bàn thành phố.

Ông Lê Minh Tấn

Ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM. Ảnh: TTO

*VOH: Sau một năm nâng cao tiêu chí thu nhập thì chương trình Giảm nghèo Bền vững đã thực sự hỗ trợ hiệu quả hơn cho đối tượng hộ nghèo và hộ cận nghèo hay không?

- Ông Lê Minh Tấn: Kết quả qua 1 năm cho thấy rằng có sự chuyển biến rất tích cực trong hệ thống chính trị thành phố. Nhất là chuyển biến tích cực trong hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nói chung là người nghèo thành phố có vươn lên, không chỉ đánh giá về mặt thu nhập mà nhìn nhận về đa chiều, 5 chiều xã hội cơ bản của con người thì nhìn chung thành phố đã đáp ứng được cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

*VOH: Giai đoạn 2019 - 2020 sẽ là bản lề tiếp nối đến giai đoạn 5 năm tiếp theo. Ông đánh giá năm 2019 chúng ta đã đạt được những mục tiêu cụ thể nào và nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong năm 2020 là gì?

- Ông Lê Minh Tấn: Nhìn thấy năm 2019 hiệu quả chương trình Giảm nghèo Bền vững thiết thực đối với từng hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố. Sự hỗ trợ tích cực về nguồn vốn từ các địa phương, các ấp, tổ khu phố, phường xã, quận huyện, các tổ chức vay vốn đoàn thể xã hội hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nghĩa là thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo nằm trong đoàn thể nào thì đoàn thể đó có trách nhiệm chăm lo tốt hơn.

Những vấn đề nổi bật để phấn đấu cho năm 2020, kết thúc giai đoạn 2016 – 2020, thì chắc chắn rằng mức thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ gấp 3,5 lần so với năm 2011, chúng ta sẽ đạt và vượt chỉ tiêu này. Và cũng thực hiện đa chiều, giảm nghèo đa chiều, 5 chiều dịch vụ cơ bản cho người nghèo. Làm cho người nghèo không tái nghèo, vượt nghèo một cách căn cơ, vượt nghèo một cách bền vững, vững bước đi lên thành hộ khá hơn, giàu hơn nữa để xây dựng cuộc sống của mình tốt đẹp hơn.

*VOH: Có thể nhận ra xu hướng trẻ hóa lực lượng cán bộ chuyên trách công tác giảm nghèo thời gian gần đây. Ông nhận định ra sao về điều này?

- Ông Lê Minh Tấn: Lực lượng giảm nghèo bền vững trong suốt hơn 20 năm qua rất dày dặn kinh nghiệm, am hiểu nhiều vấn đề về giảm nghèo bền vững. Hôm nay có thể truyền lửa lại, truyền đạt kinh nghiệm lại cho lớp trẻ để tiếp tục sự nghiệp, tiếp tục giai đoạn 2020 – 2025, và tầm nhìn đến năm 2030, kể cả đến 2045. Trẻ hoá đội ngũ ngày hôm nay thì thấy rằng lớp trẻ hiện nay tâm huyết hơn, có học tập kinh nghiệm từ lớp đàn anh, đàn chú đi trước. Tôi cho rằng kế thừa này là tất nhiên, kế thừa này là một tất yếu lịch sử để tiếp nối chương trình giảm nghèo bền vững với phương thức nhìn nhận về mặt đa chiều của nó.

*VOH: Đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn vẫn là những đòn bẫy quan trọng, là “cần câu” để hộ dân vươn lên. Như vậy, chúng ta sẽ có đổi mới, điều chỉnh như thế nào để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả từ nhóm giải pháp này?

- Ông Lê Minh Tấn: Trong đây, vốn là điều cơ bản nhưng hôm nay vốn là phương tiện mà mục đích cuối cùng để đạt được đa chiều là đào tạo nghề thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu đào tạo nghề. Nghĩa là có nghề thì mới đảm bảo việc làm cho người lao động. Mà chính là có việc làm thì mới có thu nhập. Mà có thu nhập đây chính là công sức của thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo bỏ ra để lao động ở các công ty, xí nghiệp, cơ quan và thậm chí đi hợp tác lao động nước ngoài. Phạm trù giữa nghề và việc làm có quan hệ hữu cơ. Tôi luôn mong rằng thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo phải ra sức học nghề.

Hình thức học nghề hiện nay ở các quận huyện, phường xã đang mở ra kể cả ban ngày lẫn ban đêm. Rồi ở các công ty, xí nghiệp, các đơn vị, thậm chí đơn vị doanh nghiệp có vốn nước ngoài cũng có dạy nghề cho lao động. Trong đó có lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo, do vậy phải ra sức học nghề. Đẩy mạnh việc đào tạo nghề lao động nông thôn, đặc biệt là nghề phi nông nghiệp. Đó là một cơ hội, một cơ may hiện nay mà được Chính phủ, lãnh đạo Thành phố, quận huyện rất quan tâm về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm ổn định. Rồi qua đó ý thức tự vươn lên, tự làm chủ bản thân mình trong việc thoát nghèo bền vững này.

*VOH: Cảm ơn ông.