Tháo gỡ áp lực đi chợ hộ bằng công nghệ và sự tận tâm

(VOH) - Sau gần một tuần triển khai chương trình đi chợ hộ, nhiều áp lực đã đè lên vai những người thực hiện, nhất là những quận/huyện nằm trong vùng phong tỏa.

Bên cạnh đó, những siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại các vùng này cũng trong tình trạng quá tải. Để tháo gỡ áp lực này, nhiều địa bàn đã có các ứng dụng hay.

[BÀI PHÁT TS CHIỀU NAY] Tháo gỡ áp lực đi chợ hộ bằng công nghệ và sự tận tâm 1
Lực lượng đi chợ hộ ở phường 6, quận Tân Bình chuẩn bị giao hàng cho người dân.

Quá tải

Những ngày qua, khi thực hiện chương trình Đi chợ giúp dân, một số nơi xuất hiện tình trạng người dân gọi điện thoại đường dây đi chợ hộ không được. Tình trạng này thường phổ biến ở những quận, huyện nằm trong diện vùng phong tỏa.

Chị Thanh Hòa (người dân ở phường 26, quận Bình Thạnh) phản ảnh, hẻm 220 đường Nguyễn Xí, tổ trưởng khu phố dương tính với SARS-CoV-2 nên chị không nhận được phiếu đi chợ, điện thoại lên đường dây đi chợ hộ ở phường thì không có ai bắt máy. Chị vốn không thông thạo điện thoại thông minh nên không biết cách đặt hàng online. Lương thực dự trữ chỉ còn đủ 2 ngày, nhà chị lại có con nhỏ tuổi nên chị rất lo lắng. Chị Hòa nói: “Bây giờ thực phẩm sắp cạn kiệt rồi, xung quanh đây ai cũng vậy, không chỉ riêng mình chị”.

Chúng tôi thử điện vào số điện thoại Đi chợ hộ của phường 26, quận Bình Thạnh xác nhận thì đúng như lời chị Hòa nói không ai bắt máy. Dù đã thực hiện nhiều cuộc gọi liên tục nhưng máy điện thoại ở trong tình trạng thuê bao không nhận cuộc gọi.

Tại phường Phú Trung, quận Tân Phú cũng có tình trạng tương tự. Anh Minh Tùng (hẻm 86, Trịnh Đình Trọng) cho biết, vợ chồng anh bị bệnh Covid-19, nên gia đình không thể tự đi ra ngoài mua sắm. Trước khi thực hiện giãn cách xã hội, một số bạn bè đã hỗ trợ cung cấp thực phẩm cho anh nhưng dùng cũng đã gần cạn. Anh Tùng mua hàng online từ Bách Hóa Xanh, song cửa hàng báo không thể đi giao hàng cho người dân, mà phải thông qua chính quyền địa phương. Tuy nhiên, số điện thoại đi chợ hộ ở phường điện thoại không ai bắt máy. Túng thế, anh phải mua “chui”.

Trước phản ảnh của người dân, ông Lê Minh Hiếu - chủ tịch UBND phường 26, quận Bình Thạnh thừa nhận, việc đi chợ giúp dân hiện phường có gặp khó khăn về nguồn nhân lực. Cụ thể, số lượng nhân sự phường hiện có 10 bộ đội tham gia hỗ trợ cùng với hơn mười cán bộ phường. Tuy nhiên, do đơn hàng người dân đặt quá nhiều, như khu phố 6 có tới 1.200 đơn hàng trong ngày 28/8 nên cả siêu thị lẫn cán bộ đi chợ hộ cũng không làm xuể. Ông Hiếu đã kêu gọi huy động thêm tình nguyện viên tham gia: “1.200 đơn hàng, trong đó có những đơn hàng phức tạp, khiến tiến độ đi chợ hộ chậm. Phường cũng đang khắc phục chuyện này bằng cách kêu gọi cô chú  ở khu phố hỗ trợ, lẫn hỗ trợ cho siêu thị”.

Tìm cách tháo gỡ khó khăn

Một nguyên nhân nữa khiến người dân khó mua được hàng hóa là việc các siêu thị quá tải đơn hàng, nhân viên phục vụ bị hạn chế đi lại giao hàng cho người dân. Bà Lê Thảo Trang - Giám đốc Maketing Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) nêu ví dụ, bình thường, cửa hàng Bách Hóa Xanh (BHX) phục vụ 300.000 khách quen tới mua hàng nhưng hiện tại những người này ngồi nhà đặt online, chưa kể phát sinh thêm những khách hàng mới làm đơn hàng tăng đột biến. Trong bối cảnh này, nhân viên của BHX phải đọc và soạn từng đơn hàng cho từng khách nên quá tải công việc không đáp ứng được như khách mong đợi. Bà Trang cho biết, BHX đang nỗ lực khắc phục vấn đề này với 3 giải pháp: "Trước tiên, Tăng tối đa ở khâu giao hàng, bao gồm việc xin phép cho nhân viên Bách Hóa Xanh tham gia vào đội ngũ đi chợ dùm. Thứ hai, kêu gọi chính quyền bổ sung thêm người đi chợ dùm đến shop lấy thông tin rõ ràng về số đơn hàng có thể phục vụ và giờ có thể đặt hàng của từng shop. Đồng thời Bách Hóa Xanh phân bổ cơ hội đặt mua hàng đồng đều cho mọi người.  Cụ thể là 1 số điện thoại có thể đặt mua hàng trên ZaloWeb 1 lần trong 3 ngày và ưu tiên phục vụ cho các đơn hàng gia đình lớn, giá trị từ 300.000 nhưng cũng hạn chế mức trần 1.5 triệu để đảm bảo hàng tồn kho được phân phối đến nhiều người”.

Đại diện siêu thị Big C cho biết tình hình cũng tương tự, đơn hàng có xu hướng tăng và có thể tăng lên thêm vào tuần sau, khi lượng hàng dự trữ trong nhà hết. Thời điểm này có hai địa phương phối hợp cùng Big C đem hàng đến tay người dân đều đặn là quận 7 và quận 10.

Theo ghi nhận, những địa phương không bị phong tỏa, người dân có thể đặt hàng thông qua các ứng dụng mua sắm như Shopee food, Grab và nhận hàng giao tận nhà. Một số hệ thống khác như GS25 cũng nhận đơn hàng online và có nhân viên giao tận nhà cho người đặt. Người dân lên website của GS25 đặt hàng hoặc thông qua app Zalo để kết nối trực tiếp với nhân viên cửa hàng và nhận hướng dẫn đặt hàng từ họ. 

[BÀI PHÁT TS CHIỀU NAY] Tháo gỡ áp lực đi chợ hộ bằng công nghệ và sự tận tâm 2
Nhân viên GS 25 soạn đơn hàng đi chợ hộ cho dân. 

Có những địa phương có cách làm linh động như quận 5 lập “tổng kho” chứa hàng hóa để đi chợ hộ cho dân từ tháng 7/2021. Cách này giúp các siêu thị và hệ thống bán hàng giảm áp lực quá tải đơn hàng online. Còn tại phường 8, quận 10, thì ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết các đơn hàng đi chợ hộ. Theo đó, phường phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đưa vào sử dụng website dichogiupdanp8q10.com, quy định thời gian cho người dân đặt hàng từ 7h đến 22h. Bằng cách này, cán bộ phường không mất thời gian thống kê đơn hàng, họ chỉ việc xuất đơn gởi cho các siêu thị.

Anh Nguyễn Khắc Quốc Huy - Chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên phường 8 cho biết thêm: “Website đã hỗ trợ tích cực cho địa bàn phường. Sau 22h, chúng tôi tổng hơp đơn hàng và biết được bao nhiêu đơn đặt trong ngày, số lượng đơn đặt hàng của mỗi siêu thị. Trước đây, chúng tôi mất nhiều thời gian ngồi đếm đơn hàng còn bây giờ chưa đầy 5 phút chúng tôi đã có những đơn hàng chính xác. Ngoài ra, website còn hỗ trợ người dân số điện thoại hỗ trợ mua thuốc”.

[BÀI PHÁT TS CHIỀU NAY] Tháo gỡ áp lực đi chợ hộ bằng công nghệ và sự tận tâm 3
Website Đi chợ giúp dân do UBND phường 8, quận 10 phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ làm. 

Có thể thấy, nếu địa phương biết cách điều phối đội ngũ đi chợ hộ khoa học và biết sử dụng công nghệ thông tin tốt như cách quận 5 và quận 10 đang làm, thì sẽ góp phần giải quyết được những áp lực hiện nay.

Trước tình trạng đơn hàng ở các siêu thị tăng đột biến, khiến người dân khó có được hàng hóa sớm, những ứng dụng dich vụ công nghệ như Grab, Be, đã đề xuất Sở Công thương TPHCM được tham gia đi chợ hộ giúp dân ở các vùng đang bị phong tỏa. Hiện tại, ứng dụng Grab đã chính thức hoạt động ở thành phố Thủ Đức. Người dân chỉ việc đi chợ trên ứng dụng Grab và cán bộ địa phương sẽ đến nhận hàng giao cho người dân. 

Mới đây, Sở Công thương Thành phố đã đề nghị UBND Thành phố  cho phép khoảng 25.000 shipper tham gia vào vận chuyển hàng hóa trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội. Sở cũng đề ra giải pháp kiểm soát đội ngũ này thông qua tra cứu trực tuyến thông tin và giấy xét nghiệm nhanh Covid-19. Tuy nhiên, cũng có lo lắng, nếu số lượng mấy chục ngàn shipper đó có người nhiễm bệnh Covid-19 thì sẽ phát tán và làm nhân lên số ca nhiễm Sars-CoV-2 của thành phố.