Thu nhập bình quân của người dân Nhà Bè vượt mức của TP

(VOH) - Mới đây cùng với Củ Chi, Hóc Môn thì Nhà Bè là 1 trong 3 huyện của TPHCM được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là huyện nông thôn mới. Nhân sự kiện này, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè về kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện trong giai đoạn 2010-2015 và những bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện.

Ngôi trường mới khang trang nằm trong Chương trình nông thôn mới tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP HCM. (ảnh: Daidoanket)

 

Thay đổi tích cực trên nhiều lĩnh vực

VOH: Thưa ông Nguyễn Văn Lưu, trước tiên xin ông cho biết những kết quả đạt được của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Nhà Bè trong giai đoạn vừa qua?

Ông Nguyễn Văn Lưu: Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, với Nhà Bè một số thành tựu có thể thấy được đó là diện mạo Nhà Bè thay đổi rất lớn.

Trước hết là những công trình nông thôn mới đem lại chẳng hạn như công trình về giao thông, trước đây Nhà Bè có khoảng chừng 5km đường nhựa, đến nay thì số km đường nhựa lên trên 50km.

Xây dựng được 1 số hệ thống cầu, đặc biệt một số cầu ở đường nội đồng như cầu ở xã Hiệp Phước, xã Long Thới, thì những cầu này làm cho giao thông được kết nối với nhau.

Từ chỗ hạ tầng giao thông được tổ chức tốt thì kinh tế của Nhà Bè đã có phát triển tốt hơn. Thu nhập bình quân của người dân đã tăng lên, trước đây khoảng 16 triệu đồng/người/năm, bây giờ đã tăng lên khoảng 43 triệu đồng/người/năm, vượt mức thu nhập ở nông thôn của thành phố.

Vấn đề thứ hai là việc tổ chức học hành giáo dục cho con em Nhà Bè, trong 5 năm bằng nguồn vốn của nông thôn mới đã xây dựng được 14 trường học. Trong đó huyện đã tập trung xây dựng được 8 trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay ở mỗi xã đều có trường cấp 1, trường cấp 2 và mẫu giáo.

Nhờ đầu tư và nâng cao chất lượng giáo dục, hiện nay trình độ học sinh của Nhà Bè so với các quận nội thành được rút ngắn. Ví dụ các môn tự nhiên như: toán, lý, hóa thì điểm bình quân ở Nhà Bè gần bằng các quận nội thành, hiện nay Nhà Bè chỉ còn thua các quận nội thành ở điểm ngoại ngữ.

Trình độ dân trí được nâng lên, trước đây trình độ dân trí bình quân của Nhà Bè là lớp 7 thì nay lớp 8. Tỷ lệ các em tốt nghiệp phổ thông gần 100%.

Vấn đề thứ ba, thành tựu về y tế tức là chăm sóc sức khỏe, các mạng lưới y tế của cơ sở như trạm y tế xã thì liên thông liền với trung tâm y tế dự phòng và bệnh viện huyện, do đó việc phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn.

Vấn đề thứ tư, sau khi đầu tư chương trình nông thôn mới thì trình độ cán bộ được nâng lên. Ví dụ cán bộ trước đây đạt chuẩn khoảng chừng 50%, đến nay thì cán bộ đạt chuẩn từ Đại học và Trung cấp chính trị lên đến 80%.

Vấn đề thứ năm đó là trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

VOH: Từ những kết quả đạt được, huyện rút ra được những bài học kinh nghiệm như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lưu: Từ kết quả đạt được, lãnh đạo huyện thấy có một số kinh nghiệm như thế này:

Một là từ chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước, thì mình phải làm cho người dân hiểu và tạo điều kiện cho người dân tham gia tích cực.

Thứ hai là cấp ủy đảng phải tập trung lãnh đạo, kinh nghiệm thấy có những lúc gần như rất là khó, người dân không tham gia nhiều, các hệ thống mình gần như khoán trắng, do đó Ban thường vụ mới tập trung lãnh đạo thông qua một Nghị quyết là cử các đồng chí, các đoàn công tác xuống giải quyết từng xã một, ví dụ xã nào khó khăn về công tác vận động nhân dân hiến đất mở đường thì mình giải quyết cách khác, xã thiếu về trường học thì mình giải quyết cách khác, xã thiếu về thu nhập thì mình sẽ có hướng khác, do đó cấp ủy phải tập trung lãnh đạo hết sức là cụ thể giải quyết khó khăn cho từng xã, từng ấp thì khi đó mới làm được.

Nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân

VOH: Được biết trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí về thu nhập sẽ là một tiêu chí gặp phải những thách thức không nhỏ trong việc tiếp tục duy trì và nâng chất. Bởi thực tế cho thấy hiện nay Nhà Bè là một huyện chịu tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, đây cũng là một yếu tố sẽ tạo ra những khó khăn cho người dân trong việc đảm bảo công ăn việc làm ổn định, nhất là bà con nông dân. Vậy trong giai đoạn tới, huyện sẽ có những giải pháp gì nhằm giữ vững tiêu chí này và nâng chất hơn để đáp ứng với tình hình phát triển kinh tế chung của thành phố?

Ông Nguyễn Văn Lưu: Đúng là tiêu chí nâng cao thu nhập là một tiêu chí khó, trong chương trình nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, đã có tập trung vào một số giải pháp:

Thứ nhất là Nhà Bè đang trong quá trình đô thị hóa rất nhanh, do đó cần phải tập trung đẩy mạnh về các hoạt động thương mại, dịch vụ, đặc biệt là các hệ thống bán lẻ để làm sao các hệ thống bán lẻ đi sâu vào trong người dân, đồng thời kiện toàn lại các chợ truyền thống.

Thứ hai là tổ chức các hoạt động dịch vụ để phục vụ trong quá trình đô thị hóa cũng như dịch vụ phục vụ trong quá trình phát triển các cảng, thì chính ra các dịch vụ này mới làm tăng thu nhập cho người dân.

Thứ 3 là vấn đề về nông nghiệp, ngoài những nông nghiệp truyền thống thì đầu tư thêm về hàm lượng công nghệ vào trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, rồi đầu tư nhiều hơn về những sản phẩm xuất thân từ chỗ nông nghiệp đô thị để mình tăng giá trị lên.

VOH: Cảm ơn ông!